Yêu cầu lược bỏ nội dung quá chi tiết trong Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0

Trong ý kiến về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT&TT xem xét lược bỏ những nội dung quá chi tiết để bảo đảm tính mở và tự chịu trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương.
yeu cau luoc bo noi dung qua chi tiet trong khung kien truc chinh phu dien tu viet nam phien ban 20

Khi được ban hành, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử, đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp. (Ảnh minh họa: Internet)

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, ngày 23/9/2019, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị phê duyệt Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.

Trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo: Bộ TT&TT xem xét lược bỏ những nội dung quá chi tiết (chuyển thành tài liệu hướng dẫn) để bảo đảm tính mở và tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TT&TT cân nhắc việc Bộ thẩm định kiến trúc Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Nếu Bộ TT&TT thấy buộc phải thẩm định để bảo đảm nhiệm vụ “chịu trách nhiệm chính về Chính phủ điện tử của Bộ trưởng thì cần quy định rõ thời hạn để không bị ách tắc.

Xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Bộ TT&TT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2019 này.

Khi được ban hành, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử, đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2019, thời điểm lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng đông đảo người dân cho dự thảo lần 3 của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ TT&TT đã chia sẻ những về những điểm mới chủ yếu của dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0.

Cụ thể, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; bổ sung các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; bổ sung định hướng phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia; bổ sung khái niệm về Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; bổ sung các mô hình tham chiếu.

Bên cạnh đó, dự thảo 3 của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 còn thể hiện rõ mô hình kết nối Chính phủ điện tử Việt Nam, mô tả tóm tắt các thành phần (bao gồm một số hệ thống lớn của quốc gia); cập nhật một số nội dung về các xu thế phát triển công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…; thống nhất sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn trong CPĐT Việt Nam; bổ sung nội dung an toàn thông tin mạng; bổ sung phương pháp tiếp cận Kiến trúc CPĐT và khung tham chiếu tương hợp.

Theo ICTNews
Phiên bản di động