Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Mong ước 3 thập kỷ của người dân Hà Nội

Chịu đựng sự ô nhiễm của sông Tô Lịch suốt 3 thập kỷ qua, nhiều người dân Hà Nội luôn kỳ vọng, sẽ có 1 ngày sông Tô Lịch trong xanh trở lại.
Tâm huyết "hồi sinh" sông Tô Lịch của Chủ tịch JVE Giải pháp nào để "cứu" sông Tô Lịch Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh"

Mong ước 3 thập kỷ của người dân

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Trong khi đó, toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Ước tính, sông Tô Lịch chịu 150 nghìn mét khối xả thải ngày đêm.

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Mong ước 3 thập kỷ của người dân Hà Nội
Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh: Tạ Quang

Nước đen, bốc mùi hôi thối và lòng sông chỉ toàn rác và bùn lầy, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.

Cô Nguyễn Thúy Ánh (trú tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội) đã sống và buôn bán bên dòng sông Tô Lịch 30 năm nay. Cũng là chừng đó năm cô Ánh và nhiều người dân Hà Nội chứng kiến sự đổ thay của dòng sông.

Cô Ánh chia sẻ, dù thời thiết có nắng mưa thế nào, mùi thối từ dưới sông bốc lên rất khó chịu. Không ít gia đình vì không chịu nổi đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống.

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Mong ước 3 thập kỷ của người dân Hà Nội
Cô Nguyễn Thúy Ánh đã 30 năm gắn bó bên con sông Tô Lịch.

"Mấy hôm nay có tin một doanh nghiệp đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên khiến người dân rất vui mừng, nhưng đó vẫn còn xa vời lắm. Chúng tôi chỉ mong sẽ có 1 ngày dòng sông trong xanh trở lại", cô Ánh nói.

Ông Nguyễn Huy Quý (trú tại Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) kể, gia đình ông sống gần sông Tô Lịch đến nay đã được 3 thập kỷ. Trước đây sông Tô Lịch trong xanh đến nỗi nước sông có thể rửa rau, dùng cho sinh hoạt.

Theo ông Quý, gọi là sông nhưng không có dòng chảy mà chỉ chứa nước thải. Phải sống chung với mùi nước thải nhưng các gia đình cũng không có biện pháp gì để khắc phục, chỉ còn biết đóng cửa, đeo khẩu trang cả ngày.

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Mong ước 3 thập kỷ của người dân Hà Nội
Chi chít điểm xả thải trực tiếp xuống lòng sông.

"Không chỉ sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, mĩ quan thủ đô cũng trở nên nhếch nhác. Chúng tôi đã chứng kiến thành phố nỗ lực cải tạo sông Tô Lịch nhiều lần nhưng chưa mang lại kết quả. Hi vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm gỡ được "nút thắt" khó khăn này", ông Quý chia sẻ.

"Cải tạo sông Tô Lịch không dễ dàng"

Tuy nhiên, về vấn đề này không ít chuyên gia cho rằng việc cải tạo sông Tô Lịch là rất phức tạp, tốn kém đòi hỏi phải kiên trì vì đã tồn tại trong nhiều năm.

Trao đổi với Lao Động, PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho biết, trước đây thành phố Hà Nội cùng các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã nhiều lần nỗ lực cải tạo sông Tô Lịch nhưng chưa mang lại nhiều kết quả.

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Mong ước 3 thập kỷ của người dân Hà Nội
PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng.

"Sông vẫn đặc quánh và bốc mùi, điều này cho thấy việc làm sạch sông Tô Lịch là không hề dễ dàng", PGS TS Bùi Thị An nói.

Theo vị chuyên gia môi trường, muốn cải tạo dòng sông cần thực hiện tốt công tác thu gom nước thải 2 bên bờ sông, không để xả thải trực tiếp xuông dòng sông. Cùng với đó, cần phải kết hợp cả cơ học và hóa học trong quá trình cải tạo.

"Do lòng sông chứa nhiều rác thải, nước đen, bùn bám ô nhiễm nên cần phải được nạo vét thường xuyên và dùng hóa chất để kết hợp khử ô nhiễm", bà An cho hay.

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Mong ước 3 thập kỷ của người dân Hà Nội
Dự án lắp đường cống gom nước thải chụp tại đoạn Hoàng Quốc Việt - Bưởi.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch các dòng sông cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ xử lý quãng giữa nhưng đầu nguồn vẫn xả thải xuống thì sẽ không mang lại hiệu quả.

Cũng theo PGS TS Bùi Thị An, đây chỉ là giải pháp khoa học công nghê. Để có thể làm hồi sinh sông Tô Lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, kiên nhẫn mới có thể thành công.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động