Xu hướng thích tự do và kết hôn muộn của người trẻ Việt

Trong xã hội hiện đại, các bạn trẻ có tư duy cởi mở hơn về câu chuyện kết hôn. Những áp lực và biến cố có thể xảy ra trong cuộc sống là một phần nguyên nhân khiến người trẻ chần chừ trong việc lập gia đình.
Nỗi lo dịch Covid-19 của người trẻ Việt ở Hàn Quốc Một thế hệ người trẻ Việt hoang mang khi bước ra thế giới

Gen Z được đánh giá là những người trẻ năng động, cởi mở hơn và tự tin làm chủ cuộc đời của mình. Vì thế, họ sẵn sàng thể hiện cái tôi và mong muốn cuộc sống ổn định hơn so các thế hệ đi trước. Thế nhưng, “mở” quá sẽ thành “đóng”, suy nghĩ thoáng quá sẽ tự khiến mình trở nên khác biệt. Ngày nay, nhiều Gen Z hình thành xu hướng né tránh việc kết hôn và sinh con.

Sống cho riêng mình

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh “đau đầu” khi con cái đến tuổi “dựng vợ gả chồng” mà vẫn không chịu tìm hiểu hay bước vào mối quan hệ tình cảm. Nhiều người trẻ dành thời gian cho tìm kiếm sự thành công trong công việc và sự nghiệp trước, có người lại cảm thấy rằng yêu thôi họ cũng hạnh phúc mà không nhất thiết phải kết hôn. Bỏ qua những lời thúc giục từ gia đình, giới trẻ dường như đang “đóng cửa” trái tim và chấp nhận cuộc sống độc thân.

Bùi Quang Hưng, 26 tuổi, chia sẻ: “Mình chưa sẵn sàng tiến tới một cuộc hôn nhân khi không có tài chính ổn định, hiện tại, chi phí sinh hoạt ở thành phố rất cao, một mình còn sống không đủ chứ chưa nói đến phải lo cho người khác”.

Nhiều bạn trẻ lo lắng về vấn đề tài chính trong cuộc sống hôn nhân.(Ảnh Internet)
Nhiều bạn trẻ lo lắng về vấn đề tài chính trong cuộc sống hôn nhân.(Ảnh Internet)

Tỷ lệ kết hôn giảm, số người độc thân hoặc kết hôn muộn tăng là vấn đề không của riêng quốc gia nào trên thế giới hiện nay. Thế nhưng, tài chính từ lâu đã không còn là lý do duy nhất khiến mọi người chọn không kết hôn. Có không ít bạn trẻ có điều kiện cũng lựa chọn việc được ở một mình cả đời.

Là một cô gái lớn lên tại thành phố và có công việc thu nhập ổn định tại ngân hàng, Mỹ Uyên (26 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) tiết lộ bản thân hiện tại chưa muốn tiến tới cuộc hôn nhân. “Mình bây giờ đã độc lập về tài chính và vẫn có thể chăm lo cho bố mẹ, nên mục đích lấy chồng chỉ là mong muốn của gia đình. Còn đối với mình, điều mà bản thân thực sự thích là theo đuổi sự nghiệp thay vì tìm kiếm một tình yêu.”

Mỹ Uyên cũng cho biết việc không có gia đình và con cái cũng giúp cô có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những yếu tố khác trong cuộc sống và tận hưởng những hạnh phúc kiểu khác.

Đỗ Diễm Quỳnh, 27 tuổi, một bạn trẻ Gen Z “mê đắm” việc sống độc thân cũng có suy nghĩ rằng: “Trước đây, tôi cũng từng nghĩ hạnh phúc là phải có chồng con, một gia đình êm ấm. Thế nhưng bây giờ tôi hạnh phúc và tự do khi chọn lối sống độc thân, tôi nhận ra rằng có khi mình còn hạnh phúc hơn cả ngày xưa. Không có tiêu chuẩn chung nào cho thứ gọi là “hạnh phúc” hết”.

Lựa chọn kết hôn muộn để chuẩn bị nền tảng tốt hơn?

Xu hướng né tránh kết hôn và sinh con không phải là việc mới xuất hiện hôm qua mà Gen Z dù so với bất kỳ thế hệ nào trước đây cũng có thể thấy đang ở mức độ nghiêm trọng. Có rất nhiều lý do được đưa ra, với nữ giới thì nguyên nhân chính là do áp lực về cuộc sống hôn nhân, trong khi nam giới cho biết họ né tránh vì gánh nặng kinh tế.

Tình hình kinh tế khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến những bạn trẻ Gen Z chần chừ không kết hôn. Hoàng Sơn (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, “Mình không ghét hôn nhân nhưng mình muốn chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho gia đình sau này. Nếu kết hôn thì vừa phải tiết kiệm tiền để mua nhà lại vừa phải chăm sóc bố mẹ của cả hai bên, như vậy thực sự rất khó khăn về mặt kinh tế”.

Một số bạn trẻ mong muốn kết hôn muộn vì cho rằng điều này có nhiều lợi thế hơn. (Ảnh Internet)
Một số bạn trẻ mong muốn kết hôn muộn vì cho rằng điều này có nhiều lợi thế hơn. (Ảnh Internet)

Còn đối với Minh Phương, 23 tuổi, cô bạn Gen Z cho rằng hầu hết mọi người vẫn mong mỏi có thể cân bằng công việc và gia đình. “Phụ nữ bây giờ có trình độ học vấn cao hơn thế hệ trước, sau khi tốt nghiệp họ sẽ ưu tiên phát triển sự nghiệp rồi mới kết hôn. Nên nếu không có sự nghiệp ổn định và các cơ hội đảm bảo cuộc sống tương lai, thì mình nghĩ nhiều bạn trẻ sẽ không tiến tới hôn nhân”, Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi lập gia đình theo tiêu chuẩn truyền thống, nhiều bạn trẻ lại ít lựa chọn bạn đời phù hợp hơn. Đối với Gen Z - thế hệ coi hạnh phúc của bản thân là giá trị quan trọng nhất, chính vì thế mà nhiều người chọn sống độc thân và không còn háo hức với hôn nhân cũng không còn bị áp lực “phải kết hôn” nữa.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động