Weekly Review: Giá trị Facebook "bay hơi" gần 50 tỷ USD, Sony thâu tóm dịch vụ chiếu Anime

Tuần qua làng công nghệ có khá nhiều tin hấp dẫn khi giá trị Facebook "bay hơi" gần 50 tỷ USD, Sony sắp thâu tóm dịch vụ chiếu Anime của Mỹ hay Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh,...
Bamboo Airways chở hàng hóa giá trị lớn đến Hàn Quốc Yên Bái: Giá trị nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng năm 2020 đạt trên 54 triệu USD Tổng giá trị sản xuất 9 tháng năm 2020 huyện Ba Vì đạt gần 22.000 tỷ đồng

Video điểm tin trong làng công nghệ tuần qua

Giá trị Facebook "bay hơi" gần 50 tỷ USD vì số người dùng Mỹ sụt giảm

Giá cổ phiếu Facebook sụt tới 6,3% trong phiên giao dịch ngày 30/10 bất chấp việc doanh thu quý III của mạng xã hội này cao hơn dự báo của Phố Wall.

Theo Business Insider, với việc giá cổ phiếu lao dốc, giá trị vốn hóa của Facebook sụt giảm tới gần 50 tỷ USD, từ 800 tỷ USD ngày 29/10 xuống còn 751,7 tỷ USD ngày 30/10.

Trước đó, Facebook thông báo doanh số quý III tăng 22% lên 21,5 tỷ USD, cao hơn dự đoán 19,8 tỷ USD của các nhà phân tích Phố Wall. Số người dùng tích cực hàng ngày trên phạm vi toàn cầu của hãng đạt 1,82 tỷ, cao hơn dự đoán 1,78 tỷ.

Facebook thừa nhận sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2021
Facebook thừa nhận sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2021

Tuy nhiên, giá cổ phiếu Facebook vẫn sụt do mạng xã hội này cho biết số người dùng tích cực hàng ngày ở Mỹ và Canada giảm từ 198 triệu hồi quý II xuống còn 196 triệu. Facebook dự báo số người dùng tại Bắc Mỹ sẽ đi ngang hoặc tiếp tục giảm trong quý tới.

Sony sắp thâu tóm dịch vụ chiếu Anime của Mỹ với giá gần 1 tỷ USD

Báo Nikkei của Nhật đưa tin, Sony đang trong vòng đàm phán cuối cùng với tập đoàn truyền thông AT&T nhằm thâu tóm dịch vụ streaming anime Cruchyroll. Ước tính giá trị thương vụ có thể đạt trên 100 tỷ yên (hơn 950 triệu USD). Khi hoàn tất, Sony sẽ có quyền kiểm soát 70 triệu thuê bao đăng ký của Cruchyroll trên toàn cầu, tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh 70 triệu thuê bao miễn phí, Cruchyroll còn có 3 triệu thuê bao trả phí khác, cùng hơn 1.000 đầu phim hiện có trên nền tảng. Nikkei nhận xét, vụ thâu tóm này sẽ giúp Sony cạnh tranh tốt hơn với Netflix và Hulu trong địa hạt phân phối anime. Thực chất, không ít những nội dung trên các nền tảng nước ngoài này là do chính Sony cấp phép phát hành.

Kế hoạch đưa anime thành nguồn thu trụ cột bên cạnh trò chơi, phim ảnh, âm nhạc
Kế hoạch đưa anime thành nguồn thu trụ cột bên cạnh trò chơi, phim ảnh, âm nhạc

Theo triển vọng kinh doanh mới công bố, giải trí gồm trò chơi, phim và nhạc sẽ tạo ra 60% lợi nhuận cho tập đoàn trong năm tài chính này. Nội dung anime chắc chắn có đóng góp không nhỏ trong đó, khi Sony đã xem đây là nguồn tài nguyên quan trọng đối với tăng trưởng. Theo Hiệp hội Phim hoạt hình Nhật Bản, tổng giá trị thị trường anime toàn cầu năm 2018 là 21 tỷ USD, cho thấy hướng đi đúng đắn của Sony.

Cấp phép thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa cấp giấy phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Việc thử nghiệm thương mại giúp các nhà mạng đánh giá công nghệ và thị trường trước khi chính thức kinh doanh dịch vụ 5G.

Đối tượng thử nghiệm là các thuê bao di động của nhà mạng và được kết nối với các mạng viễn thông công cộng; được sử dụng các mã, số viễn thông đã được phân bổ phục vụ việc thử nghiệm. Trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm phải được sự chấp thuận của Bộ TT&TT; việc thử nghiệm phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin, hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm lần đầu hết hiệu lực hoặc khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT…

Người thiết kế nhà chống bão, lũ chỉ 25 triệu đồng sẵn sàng chuyển giao miễn phí

Trước tình hình mưa lũ triền miên ở miền Trung, là người trực tiếp kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ bà con miền Trung, sau chuyến đi ấy, ông Lê Trung Hiếu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nảy sinh suy nghĩ cần thiết kế một căn nhà để bà con có thể tránh bão lũ.

Phương án nhà nổi “all in one” thay thế cho đào hầm trú ẩn tránh bão và nổi lên khi nước lũ tràn về ra đời.

Căn nhà nổi đầu tiên đang được ông Hiếu sản xuất với chi phí 25 triệu đồng tại xưởng sản xuất
Căn nhà nổi đầu tiên đang được ông Hiếu sản xuất với chi phí 25 triệu đồng tại xưởng sản xuất

Ông Hiếu cho biết, căn nhà nổi được thiết kế với phao nổi làm bằng bê tông siêu nhẹ. Căn nhà được thiết kế vòm kiểu hầm Đờ Cát, nếu chèn chặn phía trên bằng bao tải cát sẽ chống cả bão, chịu được sức gió cấp 9 - cấp 10; còn khi lũ tràn về thì bỏ bao cát ra để nhà tự nổi lên.

Chi phí để hoàn thiện căn nhà này, ông Hiếu tính toán hết khoảng 25 triệu đồng tại xưởng. Còn nếu vận chuyển đi các nơi sẽ mất thêm chi phí.

Ông Hiếu cho rằng, mức giá làm căn nhà này nếu quyên góp các mạnh thường quân 15 triệu đồng và người dân đối ứng 10 triệu đồng là hợp lý.

Hiện ông Hiếu đang sản xuất mẫu nhà đầu tiên, sau đó sẽ kêu gọi nhiều người tham gia để có thể chung sức giúp bà con làm được nhiều căn nhà chống lũ này.

Phạm Mạnh
Phiên bản di động