Vụ vi phạm nhãn mác của IFU: Thái Bình rốt ráo xử lý, vì sao QLTT Hà Nội thờ ơ?

Sau khi Báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh về hiện tượng tẩu tán hàng hóa không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ mang nhãn hiệu IFU tại một số cửa hàng, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã rốt ráo vào cuộc kiểm tra. Bước đầu tạm giữ gần 500 sản phẩm trị giá hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội lại tỏ ra thờ ơ, không phối hợp(?).
Điều tra: 'Đột kích' cửa hàng thời trang thương hiệu IFU ở Thái Bình Vụ tráo nhãn mác thương hiệu thời trang NEM, IFU: "Góc khuất" dần hé lộ Vụ tráo nhãn mác thương hiệu thời trang NEM, IFU: Sẽ chuyển hồ sơ sang công an

Thái Bình quyết liệt, Hà Nội thờ ơ

Sau khi ghi nhận tình trạng các sản phẩm thời trang của thương hiệu IFU tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và có dấu hiệu tẩu tán hàng hóa khỏi các cửa hàng, sáng 14/11, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp kiểm tra, xác minh.

Tuy nhiên, đáp lại đề nghị của phóng viên, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện Đội Quản lý thị trường số 17 đang làm vụ việc bắt 4 tấn hàng sản phẩm thời trang có dấu hiệu cắt mác Trung Quốc rồi gắn mác thương hiệu IFU, NEM tại cơ sở may mặc 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội), chủ hãng cũng chưa phủ nhận cơ sở may mặc trên có liên quan đến công ty.

vu vi pham nhan mac cua ifu thai binh rot rao xu ly vi sao qltt ha noi tho o
Cửa hàng IFU Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội).

Theo ông Kiên, hiện tại chưa cho kiểm tra các cửa hàng của IFU vì chờ kết luận vụ việc ở Long Biên. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề về việc các cửa hàng IFU có dấu hiệu dọn hàng thì vị này bất ngờ trả lời: "Chả làm sao cả, nó thu là tốt chứ có gì đâu, kệ người ta, sai phạm người ta điều chỉnh cũng là điều tốt''.

Cùng ngày 14/11, theo ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, khác với sự "lèo tèo" về số lượng sản phẩm của các cửa hàng IFU trên địa bàn Hà Nội thì tại cơ sở 137 Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) lượng hàng hóa nhiều đến mức không đủ chỗ treo, phải chứa trong các bao tải cất trong phòng thử đồ. Các sản phẩm quần áo, khăn tại đây được may mác và gắn thẻ bài thương hiệu IFU nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị sản xuất.

Trước những nghi vấn về xuất xứ hàng hóa, nhóm phóng viên đã liên hệ với Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình để phối hợp kiểm tra.

Sau khi nhận được đề nghị của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, sáng 15/11, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình) đã cử trinh sát kiểm tra dấu hiệu vi phạm.

vu vi pham nhan mac cua ifu thai binh rot rao xu ly vi sao qltt ha noi tho o
Mặc dù được gắn mác IFU nhưng không có thông tin xuất xứ sản phẩm.

Ngay sau khi xác định dấu hiệu vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã ập vào kiểm tra cửa hàng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận rất nhiều sản phẩm quần áo được may mác và gắn thẻ bài thương hiệu IFU nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị sản xuất.

"Qua kiểm tra ban đầu, các sản phẩm thời trang của cửa hàng có dấu hiệu sai nhãn mác, có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ vì chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh. Theo quy định chung của pháp luật, những người có thẩm quyền của Cục sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm, trị giá hàng hóa để xử lý. Trước mắt sẽ tạm giữ những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ đề nghị chủ cửa hàng phối hợp làm rõ", ông Nguyễn Thanh Hải - đại diện Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết.

Hiện tại, Đội Quản lý thị trường số 6 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã tạm giữ 414 sản phẩm thời trang, tương đương trị giá hơn 297 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, xuất xứ để xác minh, làm rõ.

vu vi pham nhan mac cua ifu thai binh rot rao xu ly vi sao qltt ha noi tho o
Ông Nguyễn Hồng Anh - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Thái Bình) kiểm tra sản phẩm thời trang của IFU.

Đáng nói, trong khi lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình rốt ráo vào cuộc kiểm tra và bước đầu đã xác định dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thời trang của thương hiệu IFU thì đến thời điểm hiện tại, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vẫn ''bình chân như vại''. Phải chăng đây là sự cố tình tạo điều kiện cho việc tẩu tán hàng hóa vi phạm?.

Sáng 15/11, khi phóng viên tiếp tục đề nghị kiểm tra các cửa hàng IFU trên địa bàn Hà Nội thì ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết vẫn chưa kiểm tra vì còn phải thu thập thông tin.

Chiều cùng ngày, liên hệ lại với phóng viên, ông Kiên bất ngờ hỏi: "Lúc nãy bảo tỉnh nào làm nhỉ?'', sau khi phóng viên trả lời là tỉnh Thái Bình thì ông này nói tiếp: "Tưởng là Nam Định, Ninh Bình".

Chưa làm tròn trách nhiệm

Được biết, theo Quyết định số 3668/QĐ-BCT ngày 11/10/2018 của Bộ Công thương, kể từ ngày 12/10/2018, Cục Quản lý thị trường Hà Nội là tổ chức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

vu vi pham nhan mac cua ifu thai binh rot rao xu ly vi sao qltt ha noi tho o
Đội Quản lý thị trường số 6 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã tạm giữ 414 sản phẩm thời trang, tương đương trị giá hơn 297 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, xuất xứ để xác minh, làm rõ.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu đối với cấp có thẩm quyền về công tác quản lý thị trường; tổ chức, chỉ đạo và thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền...

Như vậy, chức năng nhiệm vụ của Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã được Bộ Công thương đã được quy định rõ. Tuy nhiên, qua vụ việc của hãng thời trang IFU có vẻ như đơn vị này đang thờ ơ với chức trách của mình(?).

Trước đó, sự việc liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm thời trang của SEVEN.AM cũng đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm quản lý, giám sát của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nếu không có sự phản ánh của Báo Tuổi trẻ Thủ đô thì sự thật bao giờ mới được sáng tỏ?.

Ông Chu Xuân Kiên là người đứng đầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ suy nghĩ như thế nào qua các sự việc trên, báo chí điều tra phản ánh ''chỗ này, chỗ kia'' có dấu hiệu vi phạm nhưng thay vì nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý thì lại thờ ơ. Vậy vai trò của lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội ở đâu, đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân chưa, chả nhẽ cứ để báo chí ''cầm tay, chỉ việc'' hay sao?.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ Công thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra chiều 11/11, Bộ trường Bộ Công thương đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường cần rà soát, đánh giá lại hoạt động công vụ, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức cho các công chức thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Công thương yêu cầu cần nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng quản lý thị trường để tìm ra các sở trường, sở đoản, đưa ra những phương thức mới trong hoạt động quản lý thị trường để đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả.

"Vấn nạn hàng nhái hàng giả đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta không thể chậm trễ, cần mạnh mẽ và quyết liệt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Tuấn Anh, đối với công chức tại cơ sở, nếu không nắm được địa bàn thì sẵn sàng giải tán các đội tại cơ sở, lập thành các đội cơ động, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục Quản lý thị trường để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo nguồn tin cung cấp cho phóng viên, hãng thời trang IFU do bà Đoàn Kim Anh (vợ ông Trương Việt Bình, một trong những người sáng lập ra thương hiệu thời trang NEM) quản lý. Trước câu hỏi IFU có phải là ''con đẻ'' của thương hiệu NEM hay không?. Đại diện hãng thời trang NEM đã phủ nhận mối liên hệ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV
Phiên bản di động