Vụ tráo nhãn mác thương hiệu thời trang NEM, IFU: Sẽ chuyển hồ sơ sang công an

Lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm đếm cụ thể số sản phẩm thời trang có dấu hiệu cắt mác Trung Quốc rồi gắn nhãn NEM, IFU xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý...
'Nóng' chuyện cắt mác Trung Quốc sản phẩm thời trang NEM, IFU, SEVEN.AM Vụ tráo nhãn mác NEM, IFU: 'Đế chế' hãng thời trang NEM là ai? Hà Nội: Phát hiện 4 tấn quần áo cắt mác Trung Quốc, gắn nhãn NEM, IFU

Liên quan đến vụ việc cơ sở may mặc ở quận Long Biên (Hà Nội) bị nghi cắt mác Trung Quốc rồi gắn nhãn thương hiệu NEM, IFU, trao đổi với báo chí, đại diện Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết vẫn đang trong quá trình xác minh, làm rõ.

Theo vị này, qua tài liệu thu thập và tường trình ban đầu của những người liên quan cho thấy, cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên đã mua gom trôi nổi các loại quần áo trên thị trường rồi về gỡ bỏ tem nhãn gốc, thay thế bằng tem nhãn có chữ IFU và NEM để bán ra thị trường.

“Tuần tới, chúng tôi sẽ kiểm đếm cụ thể số sản phẩm vi phạm để xác định rõ tính chất, mức độ, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý”, đại diện Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết.

Cũng trong sáng 10/11, phóng viên nhiều lần liên hệ qua điện thoại trao đổi với ông Nguyễn Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) để tìm hiểu thêm thông tin nhưng vị này không nghe máy.

vu trao nhan mac thuong hieu thoi trang nem ifu se chuyen ho so sang cong an
Số tem mác có chữ Trung Quốc được cắt bỏ. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội.

Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, ngày 4/11, Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Tại thời điểm kiểm tra, công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM và IFU trên các sản phẩm quần áo.

Cụ thể, gồm 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Sau đó, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và tang vật là 4 máy khâu và 49 kg tem nhãn các loại để điều tra xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

vu trao nhan mac thuong hieu thoi trang nem ifu se chuyen ho so sang cong an
Trang web của IFU bất ngờ đóng cửa.

Hiện, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã mời đại diện hãng thời trang NEM và IFU để phối hợp làm rõ. Trong khi đó, trả lời báo chí, đại diện hãng thời trang NEM cho biết không biết cơ sở sản xuất tại Long Biên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, NEM là thương hiệu thời trang có tiếng tại Việt Nam, có mặt từ năm 2002 với định vị ban đầu chuyên thiết kế và sản xuất thời trang cho phái nữ theo phong cách Pháp. Đến nay hệ thống thời trang NEM đã trải dài khắp cả nước với trên 80 cửa hàng, trong đó riêng Hà Nội chiếm tới 19 cửa hàng.

Được biết, thương hiệu thời trang NEM từng gắn với tên tuổi ông Trương Việt Bình khi ông này thành lập Công ty TNHH Bình Lý chuyên hoạt động bán lẻ hàng may mặc, giày dép… Đến năm 2002, Công ty TNHH Bình Lý cho ra đời thương hiệu thời trang NEM tấn công lĩnh vực thời trang công sở nữ tại Việt Nam.

Vào giai đoạn 2010 – 2011, Công ty TNHH Bình Lý của ông Trương Việt Bình tiếp tục ra mắt thương hiệu phụ trợ như NEM Gold, NEM Classic, NEM Luxury… cung cấp sản phẩm đa dạng hơn. Các công ty đang đứng tên ông Trương Việt Bình gồm có: Công ty TNHH Bình Lý, Công ty CP Thời trang NEM, Công ty CP Thương mại NEM, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khánh Linh, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương Mại An Thành.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, Công ty thời trang Stripe International (Nhật Bản) bất ngờ thông báo chính thức mua lại thương hiệu thời trang NEM của Việt Nam.

Vào 9/2018, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ra thông báo về việc bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Thương mại NEM.

Theo VietinBank, tính đến 22/8/208, dư nợ khoản vay của Công ty CP Thương mại NEM là 111 tỷ đồng, gồm 61 tỷ đồng dư nợ gốc và khoảng 50 tỷ đồng nợ lãi. Tài sản bảo đảm là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty. Dù vậy tại ngày 30/6/2018, giá trị hàng tồn kho của công ty được ghi nhận chỉ 33,9 tỷ đồng.

Hiện, trên trang web chính thức của thương hiệu NEM là nemshop.vn nêu rõ, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành hoạt động kinh doanh hệ thống bán lẻ thời trang NEM dưới sự điều hành của Tập đoàn Stripe Nhật Bản.

Theo giới thiệu, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành, Công ty CP Thời trang NEM cùng có địa chỉ tại tầng 10, tòa nhà NEM, số 545 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.

Trong khi đó, thương hiệu thời trang IFU mới xuất hiện tại Việt Nam dành cho phái nữ bao gồm áo, quần, đầm, chân váy và jumpsuit. Hệ thống gồm 18 cửa hàng trên toàn quốc. Theo nguồn tin, thương hiệu thời trang này do vợ ông Trương Việt Bình quản lý.

Đáng nói, hiện hãng thời trang IFU cũng đã đóng trang web mà không thông báo lý do. Ngay cả fanpage facebook IFU fashion cũng bất ngờ khoá không lý do.

Nhóm PV
Phiên bản di động