Vụ Asanzo: Có vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, liên quan đến vụ Asanzo đang được điều tra, xác minh một cách nghiêm túc, khách quan, toàn diện, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam, lợi ích người tiêu dùng.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan nói về vụ Asanzo Bản tin Kinh doanh: Vẫn nóng vụ Asanzo, ai giàu nhất Việt Nam? Vụ Asanzo: Vẫn đang rà soát, chưa có kết luận đúng sai

Sáng 30/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức buổi họp báo thông tin về kết quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019.

Liên quan đến vụ việc Asanzo, tại buổi họp báo, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hiện tại, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã giao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ Khoa học và Công nghệ... tập trung phối hợp để xác định làm rõ những hành vi đúng sai.

vu asanzo co vi pham se xu ly nghiem de bao ve thuong hieu viet nam
Quang cảnh buổi họp báo.

Theo quy định, đến ngày 30/8/2019, cơ quan chức năng sẽ có kết luận chính thức. “Kết quả vụ việc sẽ được thông báo với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng”, ông Thế khẳng định.

Cũng theo ông Đàm Thanh Thế, vấn đề hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc mang nhãn mác “Made in Viet Nam”, thời gian qua được báo chí nêu rất nhiều. Phía Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có công văn yêu cầu cơ quan thường trực 63 tỉnh thành tập trung rà soát, đánh giá, báo cáo. Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa có kế hoạch tăng cường phòng chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành.

Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, theo ông Đàm Thanh Thế, Chính phủ đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành, địa phương.

Theo đó, khu vực biên giới cửa khẩu là của Hải quan; Biên giới đường bộ là của Bộ đội Biên phòng; đường biển của Cảnh sát Biển; nội địa là quản lý thị trường trong quản lý lưu thông hành hóa; Công an tập trung đấu tranh các ổ nhóm đường dây buôn lậu. Ngoài ra còn có thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ.

“Các lực lượng này có chức năng nhiệm vụ phối hợp với nhau đồng bộ trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên các mặt trận. Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có quyết định quy định rõ cơ chế phối hợp các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ”, ông Thế cho biết thêm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ 2018), thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 6.165 tỷ đồng; khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47% so với cùng kỳ), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56%) so với cùng kỳ 2018.
Văn Huy
Phiên bản di động