Vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Nhằm tri ân và tôn vinh danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, tối 3/12, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Khởi động cuộc thi “Nhiếp ảnh sáng tạo dành cho người trẻ Hà Nội Rethink” Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 với gần 50 hoạt động ở nhiều lĩnh vực

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một người con của quê hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm” với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.

Đặc biệt, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh cho khát vọng sống của con người, đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng nam - nữ. Việc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, năm 2021 khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và sự sáng tạo cũng như tư tưởng về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Thành Cường
Chương trình nghệ thuật tại Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; Lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam và các vị khách quốc tế.

Mở đầu buổi lễ là các tiết mục nghệ thuật, hoạt cảnh giới thiệu về nhà thơ Hồ Xuân Hương, các đại biểu và Nhân dân đã thưởng thức chương trình nghệ thuật với 5 trường đoạn gồm: Những năm tháng đầu đời; Ba chìm bảy nổi; Nỗi đau nhân thế; Thơ đối thoại với … thơ và Những người tình trong thơ. Qua đó, khái quát nên cuộc đời và sự nghiệp của “Bà chúa thơ Nôm” - một hiện tượng văn hóa đặc biệt, vừa mang những nét riêng “độc nhất vô nhị”, vừa mang tính loại hình sâu sắc, là hiện tượng văn hóa tầm nhân loại.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho phía Việt Nam.
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho phía Việt Nam

Tại buổi lễ, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Nghị quyết tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là để bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại nhưng cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.

Vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

“Ôn cố tri tân”, đó là cách tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11/2021 vừa qua”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của Hồ Xuân Hương; Nghiên cứu sâu hơn nữa thân thế và sự nghiệp của bà; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của "Bà chúa thơ Nôm" đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước; Phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm, sáng tác văn hóa nghệ thuật và thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Hồ Xuân Hương.

Minh Thư
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động