Vingroup thành lập Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo

Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Vingroup sẽ nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà cốt lõi là các thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong môt loạt các lĩnh vực như xử lý và hiểu hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng.
Vingroup lãi trước thuế hơn 13.850 tỷ đồng năm 2018 Tập đoàn Hàn Quốc muốn mua khối cổ phần tỷ USD của Vingroup Cổ phiếu Vingroup tăng vùn vụt, ông Phạm Nhật Vượng lại "bỏ túi" hàng nghìn tỷ đồng

Ngày 17/4, Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC) đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI - VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech), có chức năng thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu.

Viện Nghiên cứu AI sẽ nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà cốt lõi là các thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong môt loạt các lĩnh vực như xử lý và hiểu hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng… Đặc biệt, Viện sẽ ưu tiên những vấn đề thế giới đang quan tâm hoặc những vấn đề mang tầm quan trọng cốt lõi đối với Việt Nam.

vingroup thanh lap vien nghien cuu tri tue nhan tao
Logo Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI - VinAI Research.

Mục tiêu của Viện là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Tập đoàn Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho tập đoàn hoặc các đối tác.

Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI - VinAI Research của Vingroup sẽ do Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực AI thế giới, làm Viện trưởng.

Được biết, ông Hưng gia nhập Vingroup từ Google DeepMind, nơi ông từng đảm nhiệm vị trí nghiên cứu cấp cao. Tiến sĩ Hưng được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Ông có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.

Ông từng lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường Đại học hàng đầu của thế giới (Stanford, MIT, Berkeley) trong việc phát triển công nghệ nhận diện hành vi của con người, trực thuộc dự án CALO, dự án về AI lớn nhất tính đến thời điểm đó và còn được biết đến như dự án đã sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri trong Apple iPhone.

Ngoài ra, ông cũng đã từng công tác tại Adobe Research và phòng nghiên cứu ngôn ngữ tự nhiên của Nuance. Ông là thành viên trong Ban biên tập tạp chí Artificial Intelligence.

Hậu Lộc
Phiên bản di động