Việt Nam cần 7-10 tỷ USD mỗi năm để phát triển năng lượng

Việt Nam cần phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần từ 7-10 tỷ USD để đầu tư các dự án nguồn điện, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải.
Việt - Anh hợp tác phát triển năng lượng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam - triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức sáng nay 22/7

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, đầu tư thích đáng cho phát triển năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hiện đối mặt với nhiều thách thức do một số chỉ tiêu biến động theo chiều hướng bất lợi như trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đã và đang suy giảm dần hàng năm. Việc này dẫn đến yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, giảm khả năng tự chủ về năng lượng của nước ta và tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế quốc gia khác.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn một số bất cập. Nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ, nhất là nhiều dự án nguồn điện than lớn triển khai rất khó khăn do không được sự ủng hộ của nhiều địa phương. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực chưa cao; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn một số bất cập...

4827 quang canh 1
Quang cảnh diễn đàn.

Để đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 - NQ/TW ngày 11/2/2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã đề ra những giải pháp, đảm bảo chất lượng, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá. Chính phủ và Thủ tướng đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đồng thời xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và đặc biệt là phân ngành điện lực quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần từ 7-10 tỷ USD để đầu tư các dự án nguồn điện, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải.

"Cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực và Chính phủ đang tập trung nguồn lực để sửa luật liên quan, xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư và phát triển nguồn điện, hệ thống truyền tải, cơ chế đầu tư đấu thầu phù hợp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương đẩy nhanh lập quy hoạch điện lực quốc gia, xác định quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn, đảm bảo tự chủ năng lượng, trong đó giảm dần các nguồn nhiệt điện giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường để tăng sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, còn nằm rải rác tại một số Luật, như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản...

''Các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên'', ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, Nghị quyết 55 đề ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam. Nghị quyết cũng xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ ngành sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động.

"Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất quan trọng và cấp bách đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ để tạo điều kiện cho ngành năng lượng phát triển ổn định, bền vững'', ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nói về vai trò của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 55, theo ông Trần Tuấn Anh, các địa phương cũng cần vào cuộc xây dựng các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn; tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để phát triển bền vững ngành năng lượng; đồng thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án lưới điện; xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, có phương án hỗ trợ thi công trong trường hợp cần thiết.

Hậu Lộc
Phiên bản di động