Việc làm cuối năm: Chỗ đìu hiu, chỗ nhiều cạm bẫy

Giai đoạn cuối năm, không chỉ các công ty, doanh nghiệp cháy lao động do cần đẩy mạnh sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường, mà nhiều công việc dịch vụ như: bán hàng, phục vụ nhà hàng, quán cà phê, làm tóc, lau dọn nhà cửa... cũng cần thêm nhiều nhân công. Thị trường lao động diễn ra sôi động nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro...
98% lao động có việc làm nhưng chất lượng còn hạn chế 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng từ "Ngày hội việc làm thanh niên Thủ đô”

Đỏ mắt tìm nhân công

Đầu tháng 12 là lúc doanh nghiệp chuyên về kinh doanh nội thất gỗ "vào vụ", cần người bán hàng, kỹ thuật viên lắp ráp và vận chuyển. Thế nhưng nửa tháng đăng tuyển, doanh nghiệp của anh Trần Minh Chung (Đường Láng, Cầu Giấy) chỉ có lác đác vài người đến hỏi rồi quay lưng đi vì chê lương thấp.

"Dịp cuối năm thị trường lao động vào mùa vụ, người lao động có nhiều lựa chọn nên thường "kén cá, chọn canh", trong khi năm nay thị trường nhà đất cuối năm không còn sôi động nên chúng tôi chưa thể đưa ra mức lương hợp lý”, anh Chung chia sẻ.

Không chỉ các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khó tuyển dụng lao động mà ngay cả những cửa hàng nhỏ cũng không thể tìm được nguồn lao động cung ứng trong dịp cuối năm.

Tại một salon tóc trong phố Thịnh Quang (Đống Đa), đón đầu các dịch vụ sẽ tăng mạnh vào dịp giáp Tết như gội đầu, cắt, uốn, nhuộm tóc, chị Nguyễn Phương Nga đã lo xa tuyển nhân viên từ tháng 10 để có thời gian đào tạo tay nghề. Vậy nhưng, mới chỉ tuyển được 2 thợ, thì một thợ làm chưa được nửa tháng đã nghỉ với lý do lương thấp. "Để phục vụ cho công việc trước mắt, tôi đã cố gắng tuyển đủ người rồi để họ vừa học vừa làm nhưng nhiều người lại yêu cầu lương cao trong khi chưa hề có kinh nghiệm ", chị Nga chia sẻ

Tìm hiểu trên trang thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm hiện tại cho thấy có tới 2.500 đầu việc mới được đăng tuyển.

Theo đại diện Trung tâm, hiện đang có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tìm đến để đăng tin tuyển dụng lao động. Việc làm dành cho sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều là các việc đặc thù mùa mua sắm cuối năm như: thu ngân, nhân viên kho, nhân viên lên hàng, gói quà, chế biến tại siêu thị; phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn uống; nhân viên bảo vệ, giao hàng, gói bánh tết, trực tổng đài chăm sóc khách hàng… Mức lương đối với sinh viên làm việc bán thời gian được tính theo giờ, trung bình từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/ giờ; đối với sinh viên làm việc toàn thời gian, mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng/ tháng…

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, để hỗ trợ kết nối cung - cầu vào dịp Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm thời vụ. Qua ba phiên giao dịch việc làm thời vụ, số lượng lao động qua tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong quý 3 và đầu quý 4 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

“Các phiên giao dịch đã kết nối việc làm cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động là sinh viên, lao động thất nghiệp hoặc lao động tự do từ Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Mặc dù cầu lao động tăng nhưng tình trạng thiếu hụt lao động vẫn xảy ra do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đặc biệt tăng cao vào dịp giáp Tết," ông Thành nói.

“Bẫy” tuyển dụng tràn lan

Trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp “thật” không tìm được lao động thì lại có không ít người lao động rơi vào “bẫy” tuyển dụng việc làm của các đơn vị, cá nhân làm ăn bất chính. Lợi dụng nhu cầu việc làm của người lao động, nhiều đối tượng đã giăng bẫy tuyển dụng việc làm khiến người lao động tin theo, đi làm nhưng chậm hoặc không chịu trả lương, thậm chí mất phí tuyển dụng nhưng không có việc làm.

Một trong những nguyên nhân khiến người lao động rơi vào “bẫy” của các đơn vị làm ăn bất chính này là vấn nạn rác quảng cáo.

Vào những ngày cận Tết Nguyên đán bằng rất nhiều hình thức khác nhau, tình trạng này ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

viec lam cuoi nam cho diu hiu cho nhieu cam bay
Quảng cáo rác tràn lan trên các bốt điện vẫn thu hút được nhiều người lao động

Dạo quanh những chân cầu vượt, cột điện, bờ tường, bến tàu, trạm xe buýt… rất nhiều tờ rơi quảng cáo cả mới lẫn cũ dán chằng chịt khắp nơi. Hiện đại hơn, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối mạng là người lao động cũng có thể dễ dàng tiếp cận hàng tá công việc trên mạng xã hội với những lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, “kinh doanh không cần bỏ vốn dịp Tết”, “công việc kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp Tết cho học sinh, sinh viên”… Tuy nhiên, khó ai có thể lường trước được rủi ro, nguy hiểm ẩn sau những thông tin có vẻ béo bở này.

Chiêu trò của những kẻ môi giới luôn đưa ra danh mục việc làm với khung thời gian không quá dài, không quá vất vả, ngược lại lương lại cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, vì thế những người tìm việc dễ bị thu hút. Trên thực tế đã có rất nhiều người rơi vào bẫy tuyển dụng của các đơn vị làm ăn bất chính này và khi đi làm thì công việc hoàn toàn không đúng với những gì quảng cáo viết.

Bạn Nguyễn Thúy Hằng, quê Thái Nguyên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mới đây tìm trên mạng thấy một trang đăng tin tuyển dụng giúp việc theo giờ với mức lương 200.000 đồng/giờ. Nhân lúc vừa thi xong học kỳ, còn khá rảnh rỗi, Hằng rủ bạn thân cùng liên hệ với người đăng tin để xin việc. Khi đến đây, Hằng và bạn được yêu cầu nộp 500.000 đồng tiền phí môi giới.

Thấy mức lương khá hấp dẫn, nên Hằng đã không ngần ngại nộp tiền. Nhưng đợi sau đó một tuần vẫn không thấy người môi giới gọi đi làm, Hằng gọi lại vào số máy trước kia, thì thấy thông báo “thuê bao hiện không liên lạc được”.

Đây không phải là chiêu trò mới nhưng nhiều người vẫn "dính bẫy". Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm đã đăng tin, quảng cáo tìm người làm việc với các mức lương hấp dẫn song lại không kết nối được mà chỉ thu phí của người lao động. Ngoài ra, đã có không ít trường hợp kẻ gian núp bóng người giúp việc, người có nhu cầu làm việc theo giờ, theo thời vụ để thực hiện hành vi trộm cắp.

Trước thực trạng trên, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo người lao động nhất là lao động trẻ nên xem kỹ thông tin tuyển dụng, liên hệ trực tiếp với các cơ sở tuyển dụng. Việc tìm kiếm cơ hội việc làm cần thông qua các nguồn thông tin chính thống như các website việc làm uy tín hoặc qua các sàn giao dịch việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội để tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Ngoài ra, trước khi đến các công ty, đơn vị doanh nghiệp ứng tuyển, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị doanh nghiệp đó, các vị trí việc làm, chế độ đãi ngộ có đúng với thoải thuận hai bên hay không. Đặc biệt người lao động không nên tin vào những lời quảng cáo "làm nhàn, lương cao" để tránh bị lừa; tuyệt đối không giao tiền và giấy tờ tùy thân cho người không quen biết để xin việc.

Tuổi trẻ Thủ đô
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động