Vì sao cần cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân?

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua từ năm 2017 sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2021. Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) có trụ sở tại Hà Lan cho rằng, có 5 lý do để ủng hộ việc cấm các quốc gia sử dụng, phát triển, thử nghiệm, bố trí, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như quy định của TPNW.

Loại vũ khí hủy diệt hàng loạt duy nhất chưa bị cấm

Theo Greenpeace, lý do đầu tiên phải kể đến là vũ khí hạt nhân gây ra những hệ lụy tàn khốc. Cách đây hơn 75 năm, vào ngày 6-8-1945, Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, khiến 78.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Tới ngày 9-8-1945, Mỹ lại ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản, khiến 27.000 người thiệt mạng ngay tức thì. Khoảng 400.000 người đã chết sau đó vì các căn bệnh liên quan đến nhiễm phóng xạ và các vết thương do hai quả bom nguyên tử của Mỹ gây ra. “Điều đó nhắc nhở chúng ta về sức mạnh hủy diệt vô cùng lớn của vũ khí hạt nhân. Bị sử dụng vô tội vạ với thường dân và binh lính, vũ khí hạt nhân rõ ràng đã tàn phá và có tác động lâu dài tới các thế hệ tương lai”, Greenpeace khẳng định.

Lý do thứ hai là vũ khí hạt nhân không có tác dụng đối với các thách thức của toàn cầu hiện nay. “Bom nguyên tử có thể tạo ra bức tường thành nào để chống lại các mối đe dọa chính của thời đại chúng ta hiện nay như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố hay các cuộc tấn công mạng? Vũ khí hạt nhân hoàn toàn lỗi thời và không thể đối phó với các thách thức của ngày nay. Thay vì góp phần duy trì hòa bình, vũ khí hạt nhân lại gieo rắc nỗi sợ hãi và sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các quốc gia”, Greenpeace nhấn mạnh.

Vì sao cần cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân?
Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ, năm 1957 (Ảnh: CNN)

Lý do thứ ba là việc phát triển vũ khí hạt nhân rất đắt đỏ. Theo Greenpeace, trong những thập niên vừa qua, chi phí liên quan tới vũ khí hạt nhân không ngừng tăng. Thực tế này được ghi nhận ở tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới. Ước tính trong giai đoạn 2010-2020, chi phí cho phát triển vũ khí hạt nhân của các quốc gia này lên tới gần 1.000 tỷ USD. “Giá như số tiền này được dành cho y tế, giáo dục, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nạn nhân sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki cũng như các dịch vụ khác nhằm bảo đảm an ninh con người”, Greenpeace nêu rõ.

Lý do thứ tư là tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về phổ biến vũ khí hạt nhân. Để đối phó với nguy cơ này, ngay từ năm 1970, thế giới đã có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với mục tiêu là ngăn chặn các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân phát triển loại vũ khí này trong khi yêu cầu các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cắt giảm kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, theo Greenpeace, nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn rất lớn. “Làm sao có thể tuyên bố rằng an ninh của một quốc gia là dựa vào chính sách răn đe hạt nhân trong khi các quốc gia khác lại được yêu cầu không sử dụng phương tiện bảo đảm “an ninh” này?”, Greenpeace đặt vấn đề.

Lý do thứ năm là cho đến nay, vũ khí hạt nhân là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt duy nhất chưa thực sự bị cấm trên thế giới. Theo Greenpeace, mặc dù các vũ khí sinh học và hóa học đã bị cấm trên toàn thế giới lần lượt từ năm 1972 và 1993, nhưng vũ khí hạt nhân vẫn chưa bị cấm. “Nghịch lý pháp lý này sẽ được chỉnh sửa đầy đủ với việc TPNW chính thức có hiệu lực”, Greenpeace nhấn mạnh.

“Câu lạc bộ hạt nhân”

Tạp chí National Interest cho biết, thế giới đã chứng kiến hơn 2.000 vụ thử hạt nhân kể từ vụ thử đầu tiên của Mỹ vào năm 1945 đến vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên vào năm 2017. Gần 85% trong số các vụ thử hạt nhân đó là do Mỹ và Liên Xô thực hiện. Mỹ là quốc gia đầu tiên và cũng là quốc gia thực hiện nhiều nhất các vụ thử hạt nhân trong lịch sử.

Mặc dù thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể khi thiết lập được hệ thống các khuôn khổ đa phương cũng như song phương về vấn đề giải trừ, không phổ biến và kiểm soát vũ khí hạt nhân với số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới giảm hơn 3/4 so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng triển vọng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vẫn còn xa vời. Trong Niên giám 2020, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính thế giới hiện còn khoảng 13.400 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của các nước thành viên “câu lạc bộ hạt nhân” (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên), giảm so với thời điểm năm 2019 là 13.865 đầu đạn hạt nhân. Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân có giảm nhưng SIPRI đánh giá các quốc gia lại đang tiếp tục đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Kho vũ khí hạt nhân hiện nay được cho là hoàn toàn vẫn còn khả năng phá hủy toàn bộ thế giới. Trong khi đó, quan hệ giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân căng thẳng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Đó là chưa kể nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước vô trách nhiệm. Trong bối cảnh ấy, như khẳng định của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, “cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ hạt nhân là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân”.

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của LHQ đã đủ điều kiện có hiệu lực Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của LHQ đã đủ điều kiện có hiệu lực
Nga, Mỹ đạt tiến triển về khung hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân mới Nga, Mỹ đạt tiến triển về khung hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân mới
Nguồn: Quân Đội Nhân Dân
www.qdnd.vn
Phiên bản di động