Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mô hình thành công về phát huy giá trị di sản của Thủ đô

Với sự đổi mới hoạt động, ứng dụng khoa học công nghệ, từ một di tích xuống cấp, giờ đây Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Đây cũng được coi là mô hình thành công về phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô.
Sắp diễn ra Hội chữ xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám 100 tác phẩm thư pháp trưng bày tại Triển lãm “Một mối xa thư” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám 98 thủ khoa xuất sắc của thành phố Hà Nội ghi danh sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ngày 25/4, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (1988-2023): Kết quả và định hướng hoạt động”. Tọa đàm nhằm rút kinh nghiệm về công tác tổ chức các hoạt động bảo tồn, khai thác di sản Văn Miếu-Quốc Tử Giám; đưa ra những định hướng đổi mới hoạt động trong thời gian tới.

Sau khi nhà Lý định đô ở Thăng Long không lâu, triều đình đã cho xây dựng Văn Miếu, mở trường Quốc Tử Giám. Kể từ đó, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đóng vai trò trung tâm giáo dục cao cấp của Việt Nam qua suốt nhiều thế kỷ.

Sang đến thế kỷ 20, do thăng trầm của lịch sử và nhận thức về di sản văn hóa chưa đầy đủ, khu di tích từng trải qua giai đoạn bị xuống cấp, bị lấn chiếm một số hạng mục…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mô hình thành công về phát huy giá trị di sản của Thủ đô
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tham dự sự kiện

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, tôn tạo di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. 100% hạng mục của di tích đều được bảo quản và trùng tu bảo đảm đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu. Một số hạng mục được tái dựng như: Nhà Thái học, phương đình trên gò Kim Châu…Những hạng mục như cổng Tam quan, Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng cho Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội khẳng định: Là một trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học lớn của Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại đây đã phát huy giá trị của di tích này và góp phần xây dựng ngành văn hóa Thủ đô.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài. Các cuộc trưng bày, triển lãm được tổ chức tại đây ngày càng đi vào bài bản, mang tính chuyên nghiệp hơn và tạo nên những hiệu ứng tích cực đối với giới chuyên môn cũng như khách tham quan. Việc đón tiếp các đoàn khách tham quan, đặc biệt là các đoàn khách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và thành phố luôn chu đáo, trọng thị và an toàn, góp phần tạo hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mô hình thành công về phát huy giá trị di sản của Thủ đô
Nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục được tổ chức tại đây đã khiến Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành địa chỉ du lịch "không thể không đến" của Thủ đô

Đánh giá chặng đường 35 năm bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông cho biết: “Chặng đường 35 năm qua cho thấy nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế và đội ngũ cán bộ, người lao động làm việc tại di tích qua các thời kỳ đã giữ gìn, xây dựng nên những hạng mục của di tích, tạo nên bức tranh tổng thể, thể hiện tính mẫu mực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở nước ta.”

Giờ đây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành địa chỉ “không thể không đến” với du khách khi đến Hà Nội.

Cũng tại toạ đàm, các đại biểu đã trình bày những tham luận đánh giá các kết quả đã đạt được của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian qua; trên cơ sở đó đưa ra kiến nghị những việc làm sắp tới. Điều đó không chỉ góp phần đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực sự trở thành một trung tâm văn hoá, một không gian sáng tạo, mà còn là điểm đến du lịch - văn hoá hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Bảo Phương
Phiên bản di động