Vải thiều Bắc Giang bắt đầu bán trên 6 sàn thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada và Postmart sẽ thu mua, phân phối vải thiều Bắc Giang từ ngày 6/6.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang viết "thư ngỏ" quảng bá vải thiều Quản lý thị trường Hà Nội kết nối, tiêu thụ giúp Bắc Giang 27 tấn vải thiều

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị đã làm việc và phối hợp chặt chẽ với 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada và Postmart (VnPost) để tổ chức việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử.

Lần đầu tiên từ trước tới nay, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản có hệ thống và có tổ chức trên đồng loạt cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Cùng với đó, “Lễ hội Vải thiều tỉnh Bắc Giang” sẽ được tổ chức chính thức vào 8 giờ sáng này 8/6/2021.

Các sàn thương mại điện tử hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số lần này đều trên tinh thần chung tay cùng Bắc Giang, tập trung hỗ trợ mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên phạm vi cả nước, mặt khác tiếp tục hỗ trợ các Hợp tác xã vải thiều ở Bắc Giang tổ chức bán hàng trên môi trường thương mại điện tử.

Những năm gần đây, 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhất định tới sản lượng xuất khẩu.

Trước tình trạng này, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) của Viettel Post cũng đã sớm đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5 với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày, tương đương khoảng 3.000 tấn trong vụ vải thiều lần này thông qua kết hợp online và offline ở các Bưu cục khắp cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, sàn thương mại điện tử Voso, Viettel Post đã lên kế hoạch từ sớm về việc chuẩn bị nguồn hàng cũng như nguồn lực về công nghệ, nhân sự và phương án triển khai trên toàn quốc.

Vải thiều Bắc Giang bắt đầu bán trên 6 sàn thương mại điện tử
Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được rao bán trên sàn thương mại điện tử Voso.

Để có nguồn hàng sớm, có sản lượng lớn và chất lượng tốt nhất, sàn thương mại điện tử Voso đã phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang sớm làm việc với các nhà vườn, các hợp tác xã tại các địa phương trên toàn tỉnh để bao tiêu toàn bộ sản lượng. Từ đó, sàn Voso sẽ cho phép khách hàng lựa chọn nhận sản phẩm theo ngày (đặt đơn trước khi thu hoạch). Điều này sẽ giúp Voso chủ động phương án thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm (sáng thu hoạch, chiều đến tay khách hàng) và tránh trường hợp ùn ứ khi sản phẩm vào mùa chính vụ.

Song song với đó, tính đến ngày 29/5, sàn thương mại điện tử Voso cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng 15 bà con nông dân tại Bắc Giang để mỗi hộ gia đình sẽ tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn.

Trước đó, Viettel Post, Voso cũng đã cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai hỗ trợ người nông dân Hải Dương tiêu thụ vải thiều Thanh Hà trên Sàn thương mại điện tử Voso. Sau thời gian triển khai, Voso đã bán được 3,2 tấn vải qua sàn và thực hiện phân phối 26 tấn theo hình thức bán buôn.

Trước đó, từ tháng 4/2021, sàn thương mại điện tử Shopee đã triển khai dự án hỗ trợ bà con nông dân đưa nông sản, đặc sản từ khắp các tỉnh thành Việt Nam tiêu thụ trên sàn, đồng thời quảng bá đến người tiêu dùng những mặt hàng nông sản Việt chất lượng, với tên gọi Shopee Farm, đồng hành cùng công ty Ngon Vietnam.

Shopee Farm là một phần trong những nỗ lực của Shopee nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người dân đều nhận được những lợi ích và được chia sẻ những cơ hội từ thương mại điện tử, đồng thời góp phần hỗ trợ quá trình số hóa cho các mô hình kinh doanh truyền thống, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, các hộ nông dân kinh doanh nông sản và đặc sản địa phương trên phạm vi khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Trong khuôn khổ chương trình chung tay cùng Bắc Giang đợt này, Shopee đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ các Hợp tác xã, doanh nghiệp của địa phương để quảng bá và tiêu thụ mặt hàng vải thiều Bắc Giang trên nền tảng của mình.

Từ ngày 6/6, Shopee sẽ tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ các chi phí vận hành kho và chi phí vận chuyển sản phẩm vải thiều Bắc Giang giao ngay trong ngày tới tay người tiêu dùng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

Cùng với các đối tác của mình, Shopee cũng đang triển khai các hoạt động tới người nông dân như đào tạo kinh doanh trực tuyến, các tiêu chuẩn về vận hành và đóng gói hàng hóa, các kĩ năng về quảng bá giới thiệu sản phẩm. Người nông dân trồng vải có thể trực tiếp lên livestream giới thiệu về sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên nền tảng Shopee.

Vải thiều Bắc Giang bắt đầu bán trên 6 sàn thương mại điện tử
Vải thiều Bắc Giang được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Ngoài Shopee, từ đầu tháng 6/2021, khi mùa vụ vải bước vào chính vụ, Tập đoàn Central Retail sẽ dành những vị trí đẹp nhất trong tất cả các siêu thị GO/Big C trên toàn quốc, trưng bày vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và vải Thanh Hà (Hải Dương) sao cho thật sự bắt mắt, đồng thời áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm đặc biệt hấp dẫn.

Đây là lần đầu tiên hệ thống đại siêu thị GO/Big C một thành viên của Tập đoàn Central Retail sẽ tổ chức kích cầu tiêu thụ trái vải trên kênh online với đối tác là sàn thương mại điện tử Tiki.

Chương trình diễn ra từ ngày 5/6-20/6 với phạm vi bán hàng trên toàn quốc trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua các kênh của hệ thống siêu thị và đại siêu thị như: App GO! &Big C, Zalo, Facebook Big C và đặc biệt là chương trình bán hàng online khi hợp tác với TikiNgon. Tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 100 tấn riêng qua kênh online trong đợt đầu.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm vải thiều, với chương trình đồng hành chung tay giúp đỡ Bắc Giang vượt qua khó khăn dịch bệnh, sàn thương mại điện tử Tiki sẽ trích 5% giá trị đơn hàng khách hàng mua thành công trong chương trình bán sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên nền tảng thương mại điện tử TikiNgon từ ngày 5-10/6 để ủng hộ tỉnh Bắc Giang trong công tác chống dịch.

Tương tự, Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử có lượng người truy cập mua sắm cao tại Việt Nam cũng đang rất tích cực phối hợp đối tác FOODMAP chuyên phân phối hàng nông sản gấp rút triển khai chương trình phân phối vải thiều Bắc Giang trên Lazada ở khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Nam, các thành phố lớn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện phía Lazada cũng như FOODMAP cho biết, hiện tại các khâu chuẩn bị hàng hóa đã cơ bản hoàn tất, hiện Lazada và FOODMAP đang chuẩn bị phương án logistic cuối cùng để đồng thời mở bán trên Lazada từ ngày 8/6.

Sản phẩm vải thiều Bắc Giang được FOODMAP phân phối trên Lazada là loại vải lựa chọn kỹ lưỡng, chất lượng quả vải to, đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, các khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử Lazada hay qua các kênh truyền thông, mạng xã hội cho chương trình này cũng như một phần chi phí chuyển phát sẽ được Lazada cùng với FOODMAP hỗ trợ để có giá tốt.

Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp chặt chẽ với phía Lazada, FOODMAP hoàn thiện các khâu chuẩn bị cuối cùng cho ngày mở cửa gian hàng Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử Lazada.

Ngoài ra, đối với người tiêu dùng ở khu vực phía Bắc, Postmart là một thương hiệu khá quen thuộc với người tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Đây là sàn thương mại điện tử trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost).

Hiện nay tổng công ty đang tập trung triển khai phân phối hàng nông sản của Việt Nam, trực tiếp phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức xây dựng chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Postmart. Thông qua hệ thống chuyển phát của VnPost, một lượng lớn vải thiều sẽ được đặt hàng và chuyển phát tới tay người tiêu dùng ở khu vực các tỉnh thành ở miền Bắc, đặc biệt là miền Trung và miền Nam.

Trước đó, VnPost cũng chủ động xây dựng phương án, sẵn sàng tiếp nhận và bán các sản phẩm nông sản tại các điểm giao dịch của bưu điện hoặc thiết lập các điểm bán hàng lưu động nhằm giúp người dân Bắc Giang tiêu thụ đặc sản vải thiều tại địa phương đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả.

Với sàn thương mại điện tử Sendo là “chợ của người Việt” như tiếng gọi thân thương của bà con khắp các vùng miền trên cả nước gọi tên Sen Đỏ. Đồng hành với “Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến” của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số từ những ngày đầu, với các sản phẩm địa phương, sản phẩm vùng miền trên sàn thương mại điện tử Sendo tổ chức phân phối đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng hàng Việt khắp cả nước.

Nhằm giải bài toán đầu ra cho khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn trong đợt bán đầu tiên, sàn thương mại điện tử Sendo đã sớm phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang lựa chọn các nhà vườn, hợp tác xã có sản phẩm vải thiều chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để tổ chức phân phối trên sàn.

Trọng tâm và điểm nổi bật nhất của chương trình là trong ngày mở bán 6/6, khách hàng vào ứng dụng hoặc ghé thăm fanpage Sendo sẽ được xem chương trình livestream do chính tay bà con nông dân Bắc Giang thực hành quay tại vườn. Ứng dụng công nghệ livestream, bà con sẽ đưa hàng triệu người xem trên cả nước đến với những quả vải Lục Ngạn mọng nước, đến với vườn vải và quy trình thu hoạch vải. Người xem livestream sẽ có cơ hội chốt đơn trực tiếp cho những quả vải đặc sản này với giá đặc biệt chỉ 16.000 đồng/kg.

Được biết, vải được bán qua sàn là vải được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và cấp chứng nhận OCOP. Sau khi khách chốt đơn trên sàn vải mới được hái xuống tại vườn, đóng vào thùng xốp giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và theo xe lạnh tỏa về các tỉnh, thành phố ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, tất cả trong vòng không quá 48 tiếng và được thực hiện bởi đội ngũ chuyên nghiệp của Sendo, đảm bảo vải đến nơi vẫn giữ đủ độ tươi ngon nổi tiếng của đặc sản Bắc Giang.

Văn Huy
Phiên bản di động