Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch điện VIII rất chậm so với yêu cầu dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Chính phủ yêu cầu thống nhất về nguồn điện mặt trời đưa vào Quy hoạch điện VIII Chiều mai, Chính phủ tiếp tục họp về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII

Trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu lên vấn đề về quy hoạch.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh ngay sau khi Quốc hội tiến hành giám sát và ban hành Nghị quyết giám sát tại kỳ họp thứ 3, nhưng kết quả lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn rất khiêm tốn.

Trong đó, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Tuy nhiên, tiến độ lập Quy hoạch điện VIII vẫn rất chậm so với yêu cầu dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình, làm rõ nguyên nhân việc chậm tiến độ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII
Sớm ban hành Quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Trong đó, sớm ban hành Quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn.

Trước đó, ngày 13/10, Bộ Công thương đã lần thứ 5 có tờ trình Chính phủ về đề án Quy hoạch điện VIII.

Tại tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục cho phép thực hiện các dự án điện mặt trời đã trong quy hoạch, có nhà đầu tư làm tới năm 2030, tổng công suất 2.360,42MW. Số này giảm 68MW so với lần đề xuất hồi tháng 8/2022 vì một số dự án các chủ đầu tư không thực hiện tiếp.

Theo Bộ Công thương, các dự án điện mặt trời (trừ dự án không thực hiện tiếp) đều đã triển khai thực tế ở các giai đoạn khác nhau, đã phát sinh chi phí, ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng. Việc cho phép các dự án, hoặc phần dự án trên tiếp tục làm nhằm tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện, đền bù cho các nhà đầu tư, lãng phí tài sản xã hội và tránh mất trật tự xã hội, xuất hiện điểm nóng tại khu vực đã giao đất.

Bộ Công thương cũng đưa ra điều kiện được tiếp tục triển khai, là các dự án phải tuân thủ quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng... Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm nghiêm trọng sẽ rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án. Đồng thời, các dự án này chỉ được phép triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực, khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia.

Cũng tại Tờ trình 6328, Bộ Công thương đã không đưa 6.800MW nhiệt điện than của 5 dự án nhiệt điện vào cân đối. Được biết, 5 dự án này đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm: Nhiệt điện Công Thanh (600MW), Quảng Trị (1.200MW), Sông Hậu II (2.000MW), Nam Định 1 (1.200MW), Vĩnh Tân III (1.800MW).

Ngay sau khi Bộ Công thương có tờ trình, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, về báo cáo và kiến nghị của Bộ Công thương tại Tờ trình số 6328 ngày 13/10/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương làm việc, thống nhất với Thanh tra Chính phủ về số liệu nguồn điện mặt trời đưa vào quy hoạch; khẳng định các điều kiện pháp lý, tuyệt đối không để xảy ra các khiếu kiện của nhà đầu tư đối với các dự án nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch.

Đồng thời, Lãnh đạo Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10/2022.

Hậu Lộc
Phiên bản di động