Tuyến huyện cũng có thể điều trị bệnh nhân dương tính nCoV

Mới đây Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến trên toàn quốc tới 700 điểm cầu nhằm hướng dẫn điều trị dịch bệnh do virus nCoV tới tận bệnh viện tuyến huyện.
Những cách chống dịch nCoV "cười ra nước mắt" nCoV có thể tồn tại 9 ngày ngoài vật chủ Thêm sinh phẩm mới giúp xét nghiệm virus nCoV nhanh, chính xác Chống ‘giặc’ nCoV: Tin vui từ Ban Chỉ đạo Quốc gia

Ưu tiên điều trị 4 tại chỗ, ngay từ bệnh viện tuyến huyện

Tại hội nghị, Bộ Y tế thông tin hướng dẫn mới nhất là khi ghi nhận bệnh nhân mới sẽ tiến hành điều trị tại chỗ, ngay từ bệnh viện tuyến huyện. Hiện có 4 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), có 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và hôm 3/2 đã ra viện, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà và cũng đã ra viện.

Tuyến huyện cũng có thể điều trị bệnh nhân dương tính nCoV

Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị dich bệnh nCoV diễn ra ngày 8/2 được truyền hình trực tuyến đến 700 điểm cầu trên cả nước

Thông tin tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu... Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học

Về phương châm điều trị, là 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện) do dịch bệnh đến từ nhiều nước, nguồn lây từ khắp nơi, dịch không tập trung.

Giai đoạn bệnh nhẹ giữ tại huyện, như ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) điều trị 4 bệnh nhân với sự hỗ trợ của tuyến trên, nặng hơn lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Các địa phương khác cũng thế, hạn chế di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây.

"Đơn cử như tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đang điều trị 4 bệnh nhân có hiểu hiện nhẹ với sự hỗ trợ của tuyến trên. Trường hợp nặng hơn sẽ chuyển lên bệnh viện tỉnh hoặc trung ương. Nếu phát hiện các ca bệnh ở các địa phương khác cũng nên xử lý tương tự, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây" – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Trước đó, thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết: Hiện ở Việt Nam chưa có người tử vong vì dịch bệnh do nCoV gây ra, chưa có ai bị lây nhiễm chéo. Trong số các ca mắc bệnh, chúng ta đã điều trị khỏi bệnh cho 3 người. Các trường hợp còn lại, tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển khả quan.

Điều đáng chú ý là, Bộ Y tế cũng đang tính đến việc tổ chức điều trị cho người bị mắc bệnh này ngay tại tuyến huyện,… Và lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa khẳng định rằng: Ngành y tế Việt Nam đủ năng lực để phòng chống dịch bệnh này.

Phần lớn bệnh nhân dương tính nCOV có biểu hiện nhẹ

Cũng tại hội nghị, ca bệnh thứ 13 vừa công bố tối ngày 7/2 không biểu hiện triệu chứng, không sốt, không ho nhưng kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV khiến nhiều người chú ý. Vì sao không sốt, ho vẫn nhiễm virus nCoV?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết đây là một chủng virus mới, như ở Trung Quốc nhiều tử vong, nhưng Việt Nam chỉ có một ca nặng (bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc), còn lại đa số biểu hiện nhẹ, vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt.

Có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, có người lại nhẹ như bệnh nhân 28 tuổi Li Zichao (người Trung Quốc phát hiện mắc bệnh tại Việt Nam), chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus. Vì thế, giai đoạn nhẹ nên giữ bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện.

Tuyến huyện cũng có thể điều trị bệnh nhân dương tính nCoV

Một trường hợp bệnh nhân dương tính với nCoV đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, căn bệnh do virus nCoV là dễ lây lan, thời gian lây nhiễm có thể diễn ra trong vòng 15 phút.

Tuy nhiên, nhiễm virus nCoV không phải ai cũng có biểu hiện lâm sàng, có những bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng, có bệnh nhân có thể nhẹ có sốt nhẹ, ho nhẹ và rát họng, có những bệnh nhân có diễn biến nặng.

"Tôi đánh giá, hầu hết bệnh nhân nhiễm virus nCoV mới chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không tiến triển viêm phổi và thường tự hồi phục sau 1 tuần"- GS Kính nói.

Trên thực tế, 3 ca bệnh nhiễm virus nCoV được xuất viện ở Việt Nam, bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, không cần can thiệp đặc biệt. Các bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, đi lại bình thường trong quá trình điều trị, cách ly.

Virus nCoV bị tiêu diệt khi rửa tay xà phòng

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý về thông khí tự nhiên tại buồng bệnh. Có thể kết hợp thông khí cưỡng chế môi trường an toàn. Cần đảm bảo khử khuẩn và thu gom dụng cụ chất thải, đồ vật y tế...

PGS Hùng cũng nhấn mạnh việc rửa tay rất quan trọng phòng nhiễm khuẩn nCoV và phòng các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sởi và giảm tử vong cho bệnh nhân. Virus nCoV bị tiêu diệt khi rửa tay xà phòng. Đặc biệt, không lạm dụng găng tay vì có thể lại chủ quan, không rửa tay.

Tại hội nghị, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nhẹ, trung niên và cao tuổi nguy cơ mắc bệnh hơn và ít ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ. Tỉ lệ tử vong do nCoV là 2% nhẹ hơn SARS (10%), MerCoV (36%). Các ca tử vong do nCoV đều ở Vũ Hán, hai ca ngoài Trung Quốc đại lục cũng từ Vũ Hán về.

Cũng theo các nghiên cứu của WHO, một người nhiễm nCoV lây cho 2,2 người trong khi một ca sởi lây cho 12-18 người.

Báo hằng ngày về các ca bệnh chỉ là tảng băng nổi và nhiều người có thể mắc bệnh mà không có biểu hiện bệnh. Do đó cần chú trọng ngăn lây qua tiếp xúc, giọt bắn. Nên đứng cách xa nguồn lây từ 1-2 m để tránh nguy cơ nhiễm và chú ý che miệng khi ho hắt hơi.

“Khi đeo khẩu trang, chúng ta phòng bệnh cho người khác nếu có biểu hiện bệnh và nếu giữ khoảng cách 1-2 m thì nguy cơ sẽ giảm xuống. Rửa tay sạch là biện pháp kinh điển nhưng hiệu quả cao" – đại diện WHO khuyến cáo.

WHO cũng cho biết đã cung cấp trên 6.500 mồi (sinh phẩm) để xét nghiệm virus corona mới tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng đã cung cấp rất nhiều mẫu xét nghiệm chuẩn để thực hiện xét nghiệm virus nCoV.

Nguồn: Sức khỏe Đời sống
suckhoedoisong.vn
Phiên bản di động