Tuổi trẻ Thủ đô dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị

Ngày 6/8, Đảng ủy cơ quan Thành đoàn Hà Nội và đoàn công tác tình nguyện Tuổi trẻ Thủ đô tại Lào do đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã tiến hành dâng hương tại thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.
Màu áo trắng tình nguyện của Tuổi trẻ Thủ đô trên đất nước Lào

Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) và tháng cao điểm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, sáng 6/8, Đảng ủy cơ quan Thành đoàn Hà Nội, đoàn công tác thực hiện hoạt động tình nguyện tại Viêng Chăn (Lào) do đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã tới thành cổ Quảng Trị để dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Đoàn Tuổi trẻ Thủ đô dâng hương tại thành cổ Quảng trị

Thành cổ Quảng Trị là nơi nổi tiếng diễn ra trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam với liên minh quân đội Hoa Kỳ - quân đội Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng, pháo hạm và máy bay B-52 của quân đội Mỹ. Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, địch đã sử dụng 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống 2 thành phố Hirosima và Nagadaki của Nhật Bản năm 1945.

Hưởng ứng phòng trào "Ba sẵn sàng" và theo lệnh Tổng động viên, từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên Thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường, đã có hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Đoàn dâng hương nghe hướng dẫn viên tại thành cổ Quảng Trị kể các câu chuyện hết sức oanh liệt nhưng cũng đầy xúc động trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ

Trong giai đoạn ác liệt nhất, mỗi ngày, quân ta có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số cho thành cổ Quảng Trị. Mỗi đại đội có từ 90 đến 120 chiến sỹ. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Họ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tóc còn xanh, đang ngồi trên ghế giảng đường và mang trong mình bao hoài bão, ước mơ về một ngày độc lập tự do thống nhất cho Tổ quốc. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất tại thành cổ Quảng Trị đã thấm đẫm máu xương của hàng ngàn chiến sĩ.

tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ

Tại thành cổ Quảng Trị, đoàn dâng hương đã nghe hướng dẫn viên kể câu chuyện xúc động về bức thư “thiêng” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết ngày 11/9/1972, trước lúc anh hy sinh 3 tháng 20 ngày. Khi đó anh đang là sinh viên năm 4 (Khoa Cầu hầm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội), gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. 15 năm qua hàng nghìn đoàn hành hương về thành cổ, hàng triệu người đã khóc, nghiêng mình trước dòng tâm thư của anh Huỳnh gửi về gia đình.

tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Cô giáo Dương Thị Vân Anh, thành viên trong đoàn tình nguyện thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ

Thương nhớ mẹ khôn nguôi, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh nhắn nhủ: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thỏa mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc”.

Dành cho người vợ mới cưới vẻn vẹn được 6 ngày là chị Đặng Thị Xơ và hơn 30 năm đằng đẵng thờ chồng, anh viết: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về...”.

tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Nhiều thành viên trong đoàn không kìm được những giọt nước mắt xúc động khi nghe kể về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh

Sau khi hy sinh, bức thư của anh cất giữ bên mình đã được đồng đội đưa về Thái Bình gửi lại cho chị Xơ. Qua lời chỉ dẫn trong bức thư, đến năm 2002, chị và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh.

Sau khi dâng hương tại thành cổ Quảng Trị, đoàn công tác đã đến nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, và nghĩa trang Trường Sơn (cùng tại Quảng Trị) để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận được trong buổi dâng hương.

tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Các bác sĩ trong đoàn thực hiện công tác tình nguyện tại Viêng Chăn (Lào) thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn
tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Anh Đinh Phương Nam, giảng viên Học viện Nông nghiệp, thành viên đoàn tình nguyện tại Lào thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn
tuoi tre thu do dang huong tuong nho cac anh hung liet si tai quang tri
Thành viên trong đoàn thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố Hà Nội đang yên nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động