Tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội trải nghiệm hành trình về nguồn

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hành trình về nguồn tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Xuân tình nguyện; Đồng thời góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi bạn trẻ.
Thấu hiểu sự hi sinh, thấm thía giá trị của hòa bình

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội Hứa Thanh Hoa, Sơn La là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử, có vị thế chiến lược quan trọng. Với hơn 113 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 63 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh). Nơi đây là điểm đến “về nguồn” góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng lối sống cho đoàn viên, thanh niên.

Tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội tham quan và nghe giới thiệu về Nhà tù Sơn La
Tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội tham quan và nghe giới thiệu về Nhà tù Sơn La

Đoàn đã tham quan và dâng hương tại Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Tháp Mường Và nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, là một công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính được Nhân dân bản Mường Và tôn sùng và bảo vệ từ bao đời nay.

Đoàn cũng đã đến thăm và dâng hương tượng đài “Bác Hồ với đồng bào dân tộc Tây Bắc” và Đền thờ Bác Hồ trong không khí trang nghiêm, tưởng nhớ công lao to lớn của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội trải nghiệm hành trình về nguồn
Tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội trong hành trình về nguồn

Đặc biệt, tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội đã tới thăm và dâng hương tại Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Nơi đây đã giam giữ 1.007 lượt tù nhân cộng sản, là trường học cách mạng, nơi ươm mầm "hạt giống đỏ" của cách mạng Việt Nam. Năm 1962, Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia. Đây là một trong những điểm tham quan lịch sử ý nghĩa và là “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc.

Trong hành trình về nguồn, các bạn trẻ cũng đến thăm quan và dâng hương tại di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Đây là nơi có vị trí chiến lược về địa - quân sự vô cùng quan trọng thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi trở thành trọng điểm giao thông, là tuyến đường huyết mạch nối vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với chiến trường Điện Biên Phủ.

Đây là hoạt động ý nghĩa giáo dục truyền thống cho bạn trẻ
Đây là hoạt động ý nghĩa giáo dục truyền thống cho bạn trẻ

Đoàn còn đến thăm quan cửa khẩu Chiềng Khương (biên giới Việt - Lào). Đây là cửa khẩu nằm ở vị trí biên giới quan trọng, nơi có con sông Mã chảy từ thượng nguồn đổ xuôi đổi dòng chạy qua Lào, sau đó trở lại Việt Nam.

Được tham quan và đặt chân đến vùng đất mới giúp đoàn viên, thanh niên có thêm kiến thức, được trải nghiệm và thêm tự hào lịch sử dân tộc.

“Hành trình về nguồn không chỉ góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên mà còn lan tỏa tinh thần hướng về cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử hào hùng trong mỗi bạn trẻ. Từ đó, mỗi học sinh, sinh viên nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, hoàn thiện bản thân trở thành công dân có ích cho xã hội”, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội Hứa Thanh Hoa chia sẻ.

Nguyễn Dũng
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động