Tuần qua, ghi nhận 3.343 ca mắc COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày, tổng số ca mắc COVID-19 cả nước là 3.343 ca, tăng hơn khoảng 300 ca so với tuần trước đó.
Ngày 3/12: Một bệnh nhân COVID-19 tại Cần Thơ tử vong

Bộ Y tế cho biết ngày 3/12 có 393 ca mắc mới COVID-19, giảm gần 250 ca so với ngày trước đó.

Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận 3.343 ca mắc COVID-19, trung bình khoảng 477 ca/ngày; con số này tăng hơn khoảng 37 ca/ngày so với 7 ngày trước đó. Trong 7 ngày qua, ngày có số mắc cao nhất là 2/12 với 635 ca (đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất trong 3 tuần qua), ngày thấp nhất là 28/11 với 333 ca.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.517.517 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.393 ca nhiễm).

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.608.829 ca; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 54 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 41 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 7 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca.

Ngày 2/12 ghi nhận 1 ca tử vong tại Cần Thơ. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.177 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/12 cảnh báo hiện nay có hơn 500 biến thể phụ của biến thể Omicron vốn có khả năng lây truyền cao đang lưu hành.

Tất cả các biến thể phụ này có thể né qua hệ miễn dịch, dù chúng có xu hướng ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể phụ trước đó. Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 649,4 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.

WHO ước tính ít nhất 90% dân số toàn cầu hiện nay có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm vắc xin hoặc đã mắc bệnh, tuy nhiên WHO cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc khi sự mất cảnh giác trong công tác giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện cho biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện có thể gây tử vong đáng kể, thậm chí vượt qua cả Omicron - biến thể lây lan chính trên toàn cầu hiện nay.

Đến hết ngày 3/12, tổng số liều vắc xin đã được tiêm ở nước ta là 264.709.839 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.100.797 liều: Mũi 1 là 71.078.606 liều; Mũi 2 là 68.687.578 liều; Mũi bổ sung là 14.497.759 liều; Mũi 3 là 51.633.543 liều; Mũi 4 là 17.203.311 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.822.732 liều: Mũi 1 là 9.126.899 liều; Mũi 2 là 8.946.539 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.749.294 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi là 17.786.310 liều: Mũi 1 là 10.153.250 liều; Mũi 2 là 7.633.060 liều.

Ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đang có xu hướng tăng nhẹ.
Ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đang có xu hướng tăng nhẹ.

Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng...

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian.

Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Do đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ.

Ngoài ra, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Bộ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động