Tự truyện của Thượng tá Phan Trọng Thắng - một góc nhìn khác về cảnh sát hình sự một thời

Ở tuổi ngoại lục tuần, Thượng tá Phan Trọng Thắng viết hồi kí với mục đích làm kỉ niệm, làm tài sản tinh thần cho con cháu. Tuy nhiên, điều đáng quý của cuốn sách này còn là kỉ niệm, là kí ức, là niềm tự hào về những thành tích, chiến công của cả một tập thể chiến sĩ Cảnh sát hình sự Thủ đô.
Khai mạc Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam 2019 Hà Nội tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam

Ngay chương đầu, tác giả Phan Trọng Thắng đã ghi nhớ công ơn sinh thành của người mẹ, ghi nhớ công ơn của người thầy dạy dỗ mình. Họ là những người đã để lại cho tác giả nhiều kỉ niệm, đã có công làm nên nhân cách của tác giả trên bước đường công tác sau này.

tu truyen cua thuong ta phan trong thang mot goc nhin khac ve canh sat hinh su mot thoi
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc tác giả bài viết.

Cuốn hồi kí đã hấp dẫn tôi ngay từ những trang đầu tiên. Nó cho chúng ta xem lại những thước phim quay chậm về một thời bao cấp nghèo khó. Cái thời lương thực cực kì khan hiếm, thời làm tem phiếu giả, thời còn dùng bếp dầu nên bọn tội phạm thường giấu tem phiếu dưới đáy can sắt giả vờ đi mua dầu. Thời mà một cái ví chỉ có… 3 hào mà đổi 3 mạng sống. Thời mà con gái nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn là chị Lê Thị Diệu Muội cũng phải đi xe đạp mà còn bị kẻ trộm “chôm” mất bánh xe. Thời mà âm ly, loa đài, bàn là, đồng hồ… còn là những tài sản có giá trị. Thời mà ai có đôi dép nhựa Tiền Phong là thuộc diện ăn chơi… Thời mà phát hiện ra được thủ phạm chỉ vì hắn thường mặc có một bộ quần áo màu sẫm… Ôi, đúng là cái thời mà “bần cùng sinh đạo tặc”, đạo tặc nhiều thì trọng án nhiều, trọng án nhiều thì Cảnh sát hình sự (CSHS? lại vất vả. Vẫn biết sinh nghề tử nghiệp nhưng tác giả lại mong mình và đồng đội… thất nghiệp.

Bao nhiêu sự tự hào, niềm vui, nỗi buồn, ân oán, băn khoăn, day dứt… đều dồn cả vào những trang hồi kí này.

Mỗi khi kể về một vụ trọng án, không ít lần tác giả phải “rào trước, đón sau” bằng những câu chữ vì vẫn cảm thấy có chút gì đó vân vi, áy náy:“Tôi muốn nói tất cả điều này, mong ai đó dừng điều ác lại để công an thất nghiệp, hãy dừng lại để mọi nhà và cả xã hội tốt đẹp lên. Tôi không muốn làm điều này nhưng xã hội phân công vì bình yên của mọi người. Tôi mong những gia đình có người liên quan đến công việc của tôi và đồng đội thì hãy thông cảm cho chúng tôi”.

Trong câu chuyện: “Trên sông Hồng ngày Ông Công ông Táo về trời” kể về việc bắt một đối tượng bị truy nã đặc biệt nghiêm trọng, một lần nữa ông cũng rào đón: “Tôi không muốn viết câu chuyện này vì đây là quá khứ của những người đã gây ra tội lỗi. Nếu như cuộc sống chỉ có cái thiện không có cái ác thì tôi sẽ không bao giờ viết. Nhưng tại sao tôi phải viết là bởi vì để mong rằng ai đó đừng làm những việc ác nữa. Tôi mong thân nhân của gia đình này đừng oán những người chiến sĩ công an”.

Hoặc: “Thôi việc cũng đã xảy ra rồi, nếu kéo dài sự trốn tránh thì sớm muộn cũng bị bắt, không chúng tôi bắt thì lực lượng khác cũng bắt. Mong các con của C - C trưởng thành”.

Tác giả Hồi kí Phan Trọng Thắng đã trực tiếp phát hiện và chỉ huy điều tra khoảng 50 vụ án. Hầu hết đều thu được kết quả tốt nhưng cũng có một vụ mà đối tượng giết đốt cả mẹ già và con nhỏ của anh Ph. ở phố Hàng Bút đi vào ngõ cụt vì rất nhiều lí do khách quan đã không thể luận tội đối tượng. Ông cứ đau đáu một nỗi buồn day dứt với vong linh người đã khuất: “Tôi rất mong gia đình anh Ph. và tất cả những ai quan tâm đến vụ án này thông cảm, (…) mong linh hồn mẹ anh, con anh thông cảm”.

Trong cuộc sống hiện nay, có một số cán bộ biến chất, thoái hóa đã để lại ấn tượng xấu cho dân, “một con sâu làm rầu nồi canh”. Nào là hiện tượng bảo kê, nào là chuyện “ăn hai mang”, nào là hống hách, sách nhiễu với dân, nào là cảnh sát mà nghiện ma túy… Vì thế, có một số người dân không quý trọng công an. Nhưng nếu ai đọc tác phẩm này sẽ có thể hiểu thêm được những sự hi sinh thầm lặng của nhiều chiến sĩ CSHS chân chính một thời:“Đi săn không có súng, không có ngựa”, “Đi làm án mà phải phân công ngoại tuyến đối tượng, là điều chối nhất và cực hình nhất đối với trinh sát. Đói là một chuyện nhưng có lúc buồn đi đại tiện thì sao?”

"Buổi tối làm nhiệm vụ, muỗi đốt không dám đập, không dám ho vì sợ bị lộ”.“Các trinh sát đi làm, phương tiện chủ yếu là xe đạp, trời nắng cũng như trời mưa không được nghỉ, phương tiện liên lạc thì không có.”

“Việc thực hiện công tác trinh sát, có lúc chuẩn bị được thay ca, đối tượng lại đi, nên có lúc trinh sát phải nhịn đói để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp. Hoặc có những hôm, có trinh sát lại nhỡ hẹn với người yêu là chuyện bình thường”.

Công tác điều tra cũng gặp nhiều khó khăn: “Hàng ngày chúng tôi cả đi lẫn về khoảng 60 cây số, đường đi đầy ổ gà, sỏi đá lô nhô, có lúc xe bị hết hơi phải dắt bộ và có lúc phải nhịn đói”. Ngoài những khó khăn kể trên, công tác điều tra còn vô vàn khó khăn khác, khó khăn vì tang vật đều dễ tiêu thụ và không có nhân chứng”. Bên cạnh đó, các CSHS còn gặp nhiều nguy hiểm, có nhiều đồng chí khi làm nhiệm vụ truy bắt đối tượng đã bị bọn tội phạm chống trả quyết liệt gây thương vong.

Bây giờ Đảng ta đang phát động phong trào mọi người hãy sống và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhưng tôi thấy ông Phan Trọng Thắng đã thực hiện việc này từ rất lâu rồi. Nó được thể hiện bằng những suy nghĩ, hành động cụ thể. Trước mỗi vụ án bao giờ ông cũng đặt quyết tâm: “Làm ra vụ án, trước hết là triệt đi được nguy hại cho dân, sau đó là đem lại lòng tin cho cho nhân dân và không những chứng minh được năng lực của mình mà còn chứng minh được năng lực của cán bộ chiến sĩ.”. Vì uy tín của ngành, ông đã làm việc hết mình, đã vận dụng tốt những kiến thức ở trường và những kinh nghiệm của chuyên gia Đức truyền đạt để rồi ông rất tự hào về những chiến công của mình và đồng đội.

Trong hồi kí ông luôn nhớ rõ lời khen của nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn: “Công an Việt Nam giỏi nhất thế giới”, nhớ các chuyên gia Đức cũng từng phát biểu: “Công an Việt Nam giỏi quá” (vụ phá án ở 37 Lý Nam Đế) và nhớ những người dân như cô Ân, cô Cúc đã từng nghi ngờ các trinh sát là đối tượng cũng từng phải thốt lên: “Công an giỏi quá” (Vụ đầu cơ tem phiếu)

Trong quá trình công tác, ông luôn biết rõ giá trị của truyền thông, báo chí và luôn tuân thủ quan điểm là phải dựa vào dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Ông vui vì được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ và vui vì nhiều người dân đã tìm đến ông để chia sẻ. Vì thế, thành công của nhiều vụ phá án là do có sự giúp sức của người dân, thậm chí có cả những kẻ đã từng đi tù cũng tìm ông để cung cấp thông tin quan trọng: “Tôi không đến nhờ anh việc gì đâu mà muốn đến báo cho anh, đề nghị anh bắt ngay một bọn có súng ngắn đang rủ nhau đi cướp. (…) Nói thật với anh, chúng nó cũng có tên đi tù với em, em chán cảnh đi tù lắm rồi, bọn chúng rất nguy hiểm, nếu không bắt được có thể xảy ra án mạng”.

Và khi đọc những vụ án có súng, có lựu đạn mà ông trực tiếp chỉ huy hoặc tham gia, tôi vô cùng lo lắng cho tính mạng của ông và đồng đội. Nhưng đọc xong, tôi lại rất khâm phục tinh thần mưu trí của ông và đồng đội vì các vụ đó đều đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đồng đội và nhân dân.

Thượng tá Phan Trọng Thắng đã từng làm cảnh sát ở Công an quận Hoàn Kiếm - một quận là trung tâm kinh tế, phức tạp nhất Hà Nội, nơi xảy ra nhiều vụ án nhất thành phố và cũng là nơi có nhiều cám dỗ, mua chuộc nhất. Nếu không có bản lĩnh thì rất dễ sa ngã. Ở môi trường và với một cương vị như thế, tôi nghĩ ông nếu muốn giàu có thì chắc không khó gì nhưng với bản lĩnh của một người CSHS vì nhân dân phục vụ, của một cán bộ đã từng vinh dự được danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng đã giúp ông vượt qua được những cám dỗ một cách dễ dàng.

Tôi rất ấn tượng với câu chuyện truy nã một tên tội phạm kinh tế ôm một số tiền nhiều tỷ trốn sang Liên bang Nga, hắn đã xin được làm luật. Nên nếu ông tham thì đâu có nghèo tiền nghèo bạc, đâu phải cuối đời trước lúc về hưu tài sản cũng chỉ có ngôi nhà hơn hai chục mét vuông do nhà nước cấp. Tôi biết ông không giàu có về vật chất nhưng lại cực kì giàu có về tinh thần, một trong những tài sản có giá trị nhất của ông chính là cuốn Hồi kí này, nó chứa đựng một quãng đời gần bốn chục năm cống hiến hết mình cho ngành Công an.

Chúng ta đều biết rằng yếu tố chính của Hồi kí là ở nội dung trung thực, là người thực, việc thực còn yếu tố văn chương cũng quan trọng nhưng không phải là yếu tố chính. Tuy nhiên, một số nhân vật trong hồi kí đã được tác giả Phan Trọng Thắng đặc tả bằng những chi tiết văn học miêu tả rất ấn tượng, (chi tiết là một trong những yếu tố cốt lõi của thể loại truyện ngắn) nên đã khiến người đọc bị ám ảnh ngay.

Chẳng hạn đoạn văn sau: “Cả hai đối tượng khoảng 25, 28 tuổi, trong đó có 01 tên mặt vuông chữ điền, mặt có nhiều mụn trứng cá, bên cằm có một nốt ruồi, nốt ruồi còn có râu. Và chính tên này đi dép nhựa Tiền Phong mầu trắng, gót dép bên trái có vết như chuột cắn nham nhở…”

Hoặc chi tiết miêu tả bé gái bị hại: “Đập vào mắt tôi là một cháu bé khoảng 15 tuổi, sau này tôi được biết cháu tên là Th thì phải, cháu nằm nguyên ở dưới gầm giường, tay bị trói phía sau, miệng bị nhét giẻ vào mồm (…).Đáng lưu ý, cháu Th. tuy đã khoảng 15 tuổi nhưng người rất bé vì cháu bị bệnh tim bẩm sinh, các đầu ngón tay và ngón chân của cháu đều tím bầm hết.”

Hoặc tên tội phạm nguy hiểm (C- C) bị truy nã đặc biệt với hình ảnh “ngón tay út bị cụt” và hình ảnh đứa con đầu của hắn “đã khoảng 7 tuổi nhưng đi không vững vì sống ở dưới thuyền, do sóng vỗ vào thuyền nên thuyền thường bị chòng chành” đã khiến người đọc không thể không nhớ.

Chi tiết chân thực trong lá thư tống tiền có vẽ hình đầu lâu xương chéo với những lời lẽ giang hồ y như truyện chưởng của tên H. rất hấp dẫn, thú vị: “Kính gửi ông V, Chủ hiệu may số nhà X phố Huế, chúng tôi là người ngoài vòng pháp luật, chúng tôi có pháp luật riêng, giàu phải chia cho nghèo, ông ước chừng có 40 triệu, chúng tôi xin một nửa để tiêu chơi. Kể từ giờ phút này, người của chúng tôi luôn ở bên ông, nếu ông bẩm báo công an thì vợ ông sẽ góa chồng, con ông sẽ mồ côi cha. Đúng giờ này, ông phải đem tiền đến cho chúng tôi, người của chúng tôi sẽ đợi ông ở quán cà phê…” Thì ra, thời nào bọn tội phạm cũng giống nhau về thủ đoạn, dã tâm khi giết người, cướp của hoặc lừa đảo, tống tiền…

Trong hàng trăm cuốn sách của NXB CA đã phát hành, có nhiều tác phẩm ngợi ca các chiến sĩ tình báo hoặc Hồi kí của những cán bộ có chức vụ cao nhưng Hồi kí viết về các chiến sĩ Cảnh sát hình sự thì chưa phải là nhiều. Vì thế, có thể nói đây là một điểm sáng trong mảng đề tài về Cảnh sát hình sự.

Hồi kí không chỉ là nơi người viết ôn lại kỉ niệm mà còn là nơi để giãi bày, phân trần, chiêm nghiệm… Đúc kết từ quá trình công tác, tác giả đã có những suy nghĩ như là chân lí: “Cuộc đời tôi nghĩ cái gì cũng có quy luật của nó. Người chỉ huy như tôi hoặc bất kì người chỉ huy nào khác cũng phải biết được: Cây có quả phải bỏ ra bao nhiêu mồ hôi công sức, hoặc có quả rồi nhưng lại bị người khác hái mất, hoặc người khác hưởng hoặc vụ đó cây không có quả cũng phải chịu”.

Đối với ông, ơn ai một chút chẳng quên, những người tốt đều được ông ghi nhận và nhớ mãi. Những người làm ác với ông, gây cho sự nghiệp của ông và gia đình ông biết bao hệ lụy, sóng gió, cũng là một người thường nên ông không thể không có những lúc suy tư, oán trách. Dẫu vậy nhưng ông không nói nhiều về họ, không lợi dụng hồi kí để sỉ vả cho hả hê, để thỏa nỗi bức xúc dồn nén. Bởi ông có niềm tin tâm linh, tin “Thượng đế rất công bằng”, tin quy luật cuộc sống “gieo gió gặt bão”, tin những kẻ cơ hội, “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”, những “Hòa Đại Nhân”… rút cục đều phải trả giá đắt. Giá trị nhân văn của cuốn Hồi kí vì thế càng được nâng cao.

Trong những trang cuối của cuốn hồi kí, tôi thấy những ước nguyện của ông thực sự đáng ngưỡng mộ, nể trọng, kính phục, bởi đó là những đề xuất có tính chất vĩ mô, xứng tầm cỡ như đề xuất của một nhà lãnh đạo lớn trong ngành Công an hoặc như của một vị đại biểu Quốc hội có tâm và có tầm. Đó là những ước nguyện của một người chiến sĩ CSHS chân chính, có ý thức trách nhiệm, suốt đời đau đáu một niềm mong cho ngành Công an được trong sạch, vững mạnh, đất nước được bình yên.

Hi vọng những đề xuất và ước nguyện đó của ông sẽ dần trở thành hiện thực.

Cảm ơn tác giả đã cho người đọc hiểu thêm về các chiến công thầm lặng của tập thể chiến sĩ Cảnh sát hình sự Thủ đô và cá nhân ông.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn hồi kí có giá trị này của Thượng tá Phan Trọng Thắng.

PGS.TS Hoàng Kim Ngọc
Phiên bản di động