Tự hào là phóng viên “báo Đoàn”

Đúng với tên gọi “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển”, chúng tôi những phóng viên trẻ có thêm nhiều bài học, sự hiểu biết và bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước lòng tự hào dân tộc. Mỗi câu chuyện được nghe, được trải nghiệm trên hành trình khiến chúng tôi không bao giờ quên.
Hà Nội thân thiện và hiếu khách trong mắt phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại SEA Games Giải bóng đá tranh Cúp Phóng viên Thời sự lần thứ 3 sẽ khai mạc vào sáng 24/4

Thời gian đầu về công tác tại báo Tuổi trẻ Thủ đô, tôi may mắn được tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” năm 2011. Hành trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011).

Tham gia hành trình là 148 đại biểu gồm lãnh đạo Trung ương Đoàn, Quân chủng Hải quân, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu, cựu chiến binh đoàn tàu không số, các văn nghệ sĩ, chuyên gia, phóng viên báo chí và cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân.

Diễn ra trong khoảng thời gian 18 ngày, hành trình lần lượt đi theo dấu tích tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, dừng chân tại 6 bến bãi, nơi các đoàn tàu không số từng cập bến, đó là: Bến sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Bến Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu, Thạnh Phong (Bến Tre), Vàm Lũng (Cà Mau) và kết thúc tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh).

Tự hào là phóng viên “báo Đoàn”
Các thành viên đoàn “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển" thả vòng hoa, hoa tươi tại bến K15 (km số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển)

Trên hành trình đó, chúng tôi được phân về từng tiểu đội với các thành viên đến từ vùng miền khác nhau. Tiểu đội 6 của tôi, ngoài đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của các tỉnh, thành đoàn còn có các bác cựu chiến binh, những người lính hải quân chiến đấu anh dũng gắn liền với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa.

Dọc hành trình chúng tôi, lớp con cháu được các chú, các bác kể lại cho nghe những trận chiến đấu, khó khăn, gian khổ họ đã phải trải qua. Máu và nước mắt đã đổ để có cuộc sống bình yên hôm nay. Trên hành trình đó, chúng tôi cũng được trải nghiệm hoạt động mà trong ký ức của nhiều người có lẽ không bao giờ quên.

Với tôi cũng vậy. Nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ nguyên vẹn cảm xúc khi được tham dự lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại vùng biển Hòn Hèo, tỉnh Khánh Hòa.

Tại vùng biển Hòn Hèo, ngày 1/3/1968 đã diễn ra trận đánh oanh liệt của con tàu 235 - con tàu gắn với cái tên thuyền trưởng anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng chiến công oanh liệt, ghi dấu lịch sử hào hùng của dân tộc, của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tự hào là phóng viên “báo Đoàn”
Các thành viên đoàn “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển" thả vòng hoa, hoa tươi tại bến K15 (km số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển)

Trận chiến đấu ngoan cường của người lính biển Phan Vinh đã trở thành điểm son trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam. Sự hy sinh anh dũng trở thành bất tử trong lòng những người lính biển.

Ai đó từng nói, làm báo lãi nhất những chuyến đi. Đến nay tôi đã có hơn 10 gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng là ngần đó thời gian tôi theo mảng về công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Tôi đã có nhiều chuyến đi hơn, đến vùng khó khăn, biên cương của Tổ quốc.

Những chuyến đi giúp chúng tôi được khám phá, hiểu hơn về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam và cũng bản lĩnh hơn khi làm nghề, được cảm nhận và luôn thấy mình trẻ hơn khi được hòa mình vào các hoạt động của Đoàn.

Người ta vẫn nói: Sự trẻ trung và nguồn năng lượng trong cuộc sống mỗi người, quý giá hơn cả tiền bạc hay sự sung túc, sang giàu…

Nguyễn Dũng
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động