Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội: Điểm sáng về phục vụ Nhân dân

Hà Nội đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Hàng loạt các công trình, dự án liên tiếp mọc lên, mang lại diện mạo mới cho Thủ đô, đồng thời cũng đặt thành phố trước những khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan tới quyền lợi của người dân.
Tăng cường phối hợp trong tiếp công dân và xử lý đơn thư

Là cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực này, thời gian qua, Ban Tiếp công dân TP Hà Nội đã tiếp nhận hàng nghìn đơn thư, tiếp hàng nghìn công dân; theo dõi đôn đốc giải quyết nhiều vụ việc; góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo sự đồng thuận và niềm tin với Đảng, với chính quyền trong nhân dân.

Tạo thuận lợi nhất cho người dân

7 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Liên (Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) đã có mặt tại Ban Tiếp công dân TP Hà Nội. Nhiều năm đi đòi quyền lợi trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng liên quan tới dự án nâng cấp Quốc lộ 1A trên địa bàn quận, căn phòng chờ tại số 34 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã trở thành địa chỉ quen thuộc để bà gửi gắm những hi vọng và trông đợi kết quả “thỏa đáng” một ngày không xa.

Đón bà là chị Nguyễn Thị Ngà, chuyên viên Phòng đăng ký và hướng dẫn công dân. Mỗi ngày, từ sáng sớm, chị Ngà đã có mặt để giúp người dân lấy số thứ tự, đăng ký nội dung, hướng dẫn công dân tới các cơ quan liên quan.

Dù ít hay đông người dân đến đây, chị Nguyễn Thị Ngà đều phải ra tận nơi, hướng dẫn cho người dân các thủ tục một vài lần. Trung bình mỗi ngày, cán bộ làm công tác đón tiếp như chị tiếp xúc, hướng dẫn cho hàng chục người. Đã có nhiều năm làm việc tại bộ phận này, nên dù là người tiếp xúc đầu tiên với những người dân vốn đang có nhiều bức xúc, đôi lúc gặp không ít trường hợp người dân có thái độ gây khó dễ, chị Ngà vẫn luôn khéo léo, bình tĩnh dành thời gian ngồi cạnh, lắng nghe từng người, ghi chép đầy đủ và báo cáo lãnh đạo tại các cuộc giao ban.

"Dù đã thông báo, niêm yết lịch tiếp nhưng không phải người dân nào cũng nắm được. Cá biệt, có những công dân đã cao tuổi, dù được cán bộ hướng dẫn nhiều lần vẫn không thể tự điền thông tin vào phiếu. Nhiều người mang theo con cháu, nhiều người lại từ xa đến, mong muốn được gặp cán bộ trước để kịp chuyến xe về.

tru so tiep cong dan tp ha noi diem sang ve phuc vu nhan dan
Chị Nguyễn Thị Ngà hướng dẫn công dân điền thông tin vào phiếu đăng ký

Quan điểm của tôi là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không để cho người dân thêm bức xúc, mệt mỏi. Vì vậy, chỉ cần có người ở xa, người già yếu muốn được ưu tiên, tôi sẵn sàng ra trình bày với những người khác để xin giúp họ. Tôi cũng sẵn sàng trông con cháu của người dân khi họ vào phòng tiếp, mua cho các cháu hộp sữa, cái bánh lúc cháu đói" - Chị Ngà kể.

Cách đó không xa, tại phòng tiếp dân, chị Lê Tuyết Nhung, chuyên viên tiếp dân và xử lý đơn thư vừa xem xét hồ sơ, khẩn trương trao đổi với công dân để đảm bảo thời gian cho những người còn lại, vừa đảm bảo làm sao cho người dân cảm thấy "được việc", bớt bức xúc.

Mỗi ngày, một chuyên viên như chị Nhung phải dành 3,5 tiếng liên tục cho việc tiếp dân. "Nói chuyện liên tục với những người đang bức xúc là vô cùng mệt mỏi, chưa kể với những nữ chuyên viên đang mang thai hay nuôi con nhỏ. Việc stress là rất dễ xảy ra" - chị Nhung chia sẻ.

Trong 21 cán bộ của Ban Tiếp công dân TP hiện nay có 10 cán bộ nữ. Với đặc thù tính chất công việc, các chuyên viên tiếp dân không chỉ ngồi làm việc với máy tính hay giấy tờ mà thường xuyên phải "ra mặt trận" tiếp xúc với người dân để vận động, thuyết phục, tuyên truyền, bất kể mưa nắng.

Chị Lại Thị Tuyết Nhung, Trưởng Phòng tổng hợp, Ban Tiếp công dân thành phố cho biết: “Cái khó nhất là nhiều người dân cố tình không hiểu, đôi khi có những hành động lời nói xúc phạm cán bộ rằng chỉ "quen ngồi mát". Có trường hợp gặp cán bộ trẻ, người dân lại cho rằng trình độ hạn chế, không tin tưởng có thể xử lý việc của mình. Cũng có nhiều công dân dù đã được TP, Trung ương xử lý kiến nghị nhưng như "thói quen" vẫn tìm đến mỗi ngày, đăng ký để được gặp cán bộ nói cho thoả"- Chị Nhung kể.

Chính vì thế, sự mềm dẻo, khéo léo được những cán bộ nữ của Ban tận dụng tối đa. "Công việc này cũng mang lại cho chúng tôi một môi trường rèn luyện sức chịu đựng, tính kiên nhẫn, kiềm chế. Chúng tôi cũng may mắn nhiều lần được chính những người dân động viên, chia sẻ, vì vậy mà công việc cũng bớt áp lực hơn” - Chị Nhung cho biết thêm.

“Hạ nhiệt” nhiều vụ việc phức tạp

Theo ông Lê Đình Cung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội: Giai đoạn 2009 - 2018, trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó là những dự án chuyển đổi mô hình chợ, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, quản lý nhà chung cư... phát sinh nhiều khiếu kiện, đơn thư. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc.

Nếu như năm 2009, Ban Tiếp công dân TP tiếp công dân thường xuyên hơn 2.900 lượt công dân thì tới năm 2018, Ban đã tiếp công dân thường xuyên hơn 5.300 lượt công dân.

Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách, Ban Tiếp công dân thành phố đã phối hợp chặt chẽ Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND TP, Ban Nội chính thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy duy trì nề nếp công tác tiếp công dân tại hai trụ sở, đảm bảo chu đáo.

tru so tiep cong dan tp ha noi diem sang ve phuc vu nhan dan
Chị Lê Tuyết Nhung, chuyên viên tiếp dân và xử lý đơn thư lắng nghe ý kiến từ người dân

Đáng kể, nhiều vụ việc đã được cán bộ hướng dẫn, giải thích kịp thời ngay tại buổi tiếp, không có vụ việc nổi cộm, bức xúc, vi phạm pháp luật xảy ra tại nơi tiếp. Ban cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, giải quyết có hiệu quả các đoàn công dân tập trung đông người khiếu kiện, khiếu kiện không đúng quy định tại khu vực các trụ sở cơ quan thành phố. Điển hình như các đoàn khiếu kiện đông người liên quan đến việc quy hoạch, chế độ bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện các Dự án xây dựng các tuyến đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục); vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Minh Khai); vành đai 2,5 và tuyến đường Tam Trinh…

Trước tình trạng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên tục tăng, Ban Tiếp công dân Thành phố đã thường xuyên trao đổi với các quận, huyện về tình hình khiếu kiện, xử lý đơn thư của người dân; chủ động nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa phần mềm theo dõi, cập nhật tình hình, kết quả xử lý đơn thư. Ngoài ra, Ban đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, tổ chức làm việc với các đơn vị để rà soát, đôn đốc báo cáo và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt năm 2018, Ban đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 24/4/2018 về việc nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân của Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc, thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố. Ban cũng đã thành lập Tổ công tác tổ chức kiểm tra 89 xã, phường, thị trấn và 30 quận, huyện, thị xã về thực hiện Chỉ thị. Qua công tác kiểm tra, các đơn vị đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác tiếp công dân, xử lý đơn, chuyển thành hành động cụ thể…

Sự chủ động, trách nhiệm trong công việc của cán bộ Ban Tiếp công dân TP đã được Lãnh đạo TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Ban Tiếp công dân TP đã và đang đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh thành phố vì hòa bình; cho sự phát triển bền vững của Thủ đô…

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động