Trình Quốc hội "gỡ khó" cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng số vốn phải giải phóng mặt bằng (GPMB) là 4.069 tỷ đồng, theo quy định Nhà nước phải chi trả khoản này. Dự án đã đi vào vận hành hơn 3 năm nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa bố trí được khoản kinh phí nhà đầu tư tạm ứng để giải ngân cho các địa phương.
Bộ GTVT dự kiến tăng mức phạt lùi xe trên cao tốc gấp 20 lần Trạm thu phí đường cao tốc tại Lào Cai bị sét đánh hỏng Việt Nam đấu thầu quốc tế triển khai 8 dự án cao tốc Bắc Nam

Nhằm tránh hệ lụy xấu cho môi trường đầu tư và “gỡ khó" cho dự án, Chính phủ vừa thống nhất với các Bộ, ngành trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ việc này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) - Cơ quan thay mặt Chính phủ soạn tờ trình cho rằng, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn và thành lập Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được khởi công ngày 19/5/2008 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ vào ngày 5/12/2015.

Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu chính thức. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán (03 đợt) đối với vốn. Sau kiểm toán, suất vốn đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (quy về 4 làn xe, không bao gồm chi phí lãi vay) tương đương với suất vốn đầu tư xây dựng bình quân đường ô tô cao tốc 4 làn xe khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, tuyến đường được đánh giá là đường cao tốc hiện đại, có chất lượng tốt, đã phát huy hiệu quả đầu tư, như: giải tỏa cơ bản ách tắc giao thông tại cửa ngõ phía đông của Hà Nội, hình thành tuyến đường giao thông hiện đại, huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng, thành phố du lịch Hạ Long, khu kinh tế Vân Đồn, thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Bộ GTVT, sau 3 năm đưa vào khai thác lưu lượng xe đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bình quân trên 27.000 lượt xe/ngày (bình quân 3 tháng vừa qua là 35.200 lượt xe/ngày, tăng 231% so với khi mới đưa vào khai thác - 15.200 xe/ ngày), chiếm hơn 45% tổng lưu lượng trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5; thực tế các chỉ tiêu đạt được cho thấy phương án tài chính của Dự án là khả thi.

Tuy nhiên hiện nay, dự án đang gặp khó khăn về khoản lãi vay phát sinh từ nguồn vốn đối ứng của Nhà nước cho việc bồi thường GPMB. Theo tính toán của nhà đầu tư, với 4.069 tỷ đồng phải vay hộ Nhà nước để giải ngân cho các địa phương chi trả tiền GPMB, số lãi suất phát sinh tại dự án đến nay đã lên đến trên 800 tỷ đồng.

Phương án tài chính khả thi nhưng vẫn có nguy cơ phá vỡ

Lý giải về khoản kinh phí phát sinh trên, Bộ KH-ĐT cho rằng, để đầu tư đường ô tô cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nhà nước phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do Nhà đầu tư tham gia vốn và được hoàn vốn đầu tư bằng thu phí.

Tuy nhiên, năm 2007, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, không thể bố trí vốn, do vậy Thường trực Chính phủ đã quyết định thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế thí điểm: giao nhà đầu tư được vay vốn để đầu tư dự án theo lãi suất sát với lãi suất thị trường, các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước (cụ thể là 39%) được Nhà nước bố trí trả dần sau khi xây dựng xong.

Với khoản bồi thường GPMB ngân sách nhà nước phải chi trả tại dự án là 4.069 tỷ đồng (hiện nhà đầu tư đã vay Ngân hàngVDB và chuyển toàn bộ số tiền này cho các địa phương chi trả GPMB để thực hiện dự án trong giai đoạn năm 2008-2010)…

Theo thỏa thuận, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền trên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên từ lúc triển khai dự án đến nay đã được 10 năm, khoản tiền bồi thường GPMB vẫn chưa được Nhà nước bố trí, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh cho dự án khoảng trên 800 tỷ đồng.

Sau khi được Nhà đầu tư và Bộ KH-ĐT báo cáo, nhằm sớm thực hiện nghĩa vụ Nhà nước đồng thời tháo gỡ khoản chi phí phát sinh, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 334/TB-VPCP ngày 3/8/2018 chỉ đạo các Bộ ngành liên quan: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho VIDIFI đầu tư Dự án theo quy định.

trinh quoc hoi go kho cho cao toc ha noi hai phong
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang bị phát sinh khoảng 800 tỷ đồng do kinh phí GPMB chưa được ngân sách chi trả.

Cùng với đó, trong phần cho ý kiến Chính phủ hoàn thành tờ trình trình Quốc hội thông qua việc phân bổ vốn cho nội dung trên, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Phương án tài chính của dự án khả thi, theo đó, dự án sẽ trả được nợ vay, thu hồi được vốn đầu tư trong thời gian 28 năm 9 tháng nếu các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện theo cam kết.

Cho ý kiến về việc trên, một số Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm, hiện nay nhu cầu vốn để phân bổ cho các dự án cấp bách là rất lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước lại hạn hẹp, cho nên rất khó khăn trong việc cân đối và thỏa mãn các nhu cầu này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước vẫn phải dành một khoản nhất định để bố trí hoàn trả cho các dự án đã hoàn thành theo đúng cam kết của Chính phủ. Việc này vừa giúp các dự án không bị vỡ các phương án tài chính, có thể dẫn đến doanh nghiệp phá sản vừa đảm bảo được uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công tháng 5/2008 và hoàn thành tháng 12/2015. Tuyến đường được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h. Dự án đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với tổng chiều dài 105 km. Tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là nhà đầu tư dự án theo hình thức BOT.
Huyền My
Theo Tiền Phong
Phiên bản di động