Trẻ suýt mất mạng vì được “chữa” u não bằng “keto”

Khi thăm khám, bác sĩ khuyên gia đình bệnh nhân nên mổ sớm cho cháu bé, tuy nhiên gia đình đã đưa con về và gần hai tháng cho cháu chữa bệnh theo phương pháp “keto”. Họ chỉ cho cháu ăn rau, đậu, không thịt, không cá, không trứng sữa, không protein…
Tìm ra phương pháp xạ trị ung thư não mới Thói quen khiến giới trẻ dễ đột tử vì tai biến mạch máu não

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ câu chuyện cách đây vài tháng, hai vợ chồng chừng khoảng hơn 40 tuổi đưa cháu nhỏ 10 tuổi từ Vĩnh Phúc lên gặp bác sĩ Hệ để thăm khám.

“Sau khi khám và đọc phim, tôi nói cháu phải mổ vì bị u tế bào thần kinh đệm (là khối u xảy ra ở não và tủy sống- PV), cần phẫu thuật cắt khối u. Chúng tôi lên kế hoạch và báo ngày mổ. Tuy nhiên vài ngày sau, hai vợ chồng quay lại gặp tôi và nói “xin cho cháu về nhà ít bữa vì thấy cháu ổn hơn sau khi dùng thuốc chống phù não”. Giải thích mãi không được, họ đưa cháu về và hứa “nếu cháu có vấn đề gì chúng tôi đưa cháu lên ngay”- PGS.TS Đồng Văn Hệ kể lại.

Thế rồi, gần hai tháng sau, vào buổi tối, mẹ bệnh nhân đã gọi điện cho PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết cháu yếu hơn nhiều, nôn và lơ mơ.

“Lúc đó, tôi nói gia đình đưa cháu ngay lên phòng cấp cứu nhập viện. Ngày hôm sau, vào thăm khám cho cháu, tôi thấy cháu gày, xanh, yếu, giảm hơn 3kg so với lần đầu. Tôi lên lịch mổ ngay ngày hôm sau (hoãn một ca trong lịch lại). Giải thích để bố mẹ cháu đồng ý mổ. Nửa đêm, mẹ cháu nhắn tin cho tôi hỏi bác sỹ ơi, còn cách nào khác không? Sáng hôm sau, chúng tôi mời bố cháu lại giải thích lần nữa”- PGS Hệ chia sẻ câu chuyện.

tre suyt mat mang vi duoc chua u nao bang keto
Hình ảnh phim chụp u tế bào thần kinh đệm của bệnh nhân Ảnh FBBS

Nói chuyện với BS Hệ lúc đó, bố bệnh nhân lại hỏi liệu bệnh nhân đủ sức mổ không? hay để 2-3 ngày nữa xem bệnh nhân khá hơn hãy mổ!

“Nghe vậy, biết là bố bệnh nhân lo lắng cho con, tuy nhiên từ thực tế tình hình của cháu, tôi đã nói luôn nếu chờ cháu chỉ nặng thêm, không khá hơn được. Hôm nay là thứ 6, chúng tôi hoãn một ca mổ cho cháu. Nếu chờ thứ 7, chủ nhật có thể đe dọa tính mạng của cháu. Suy ngẫm vài phút, ông bố dường như miễn cưỡng đồng ý”- PGS Hệ kể lại.

Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ. Kíp mổ tiến hành cắt hết u. Quá trình mổ bệnh nhân ổn. Buổi chiều, bệnh nhân đã tỉnh lại, phản ứng còn chậm, mệt mỏi, xanh.

“Tôi lại nhận được tin nhắn của mẹ cháu với nội dung: bác sỹ truyền thêm đạm cho cháu nhé”- PGS Đồng Văn Hệ cho biết.

Sau đó, qua chuyện trò với gia đình bệnh nhân, PGS Hệ được biết, gần hai tháng gia đình bệnh nhân đem con gái về nhà chữa bệnh theo phương pháp “keto” trên mạng và bạn bè khuyên. Họ chỉ cho cháu ăn rau, đậu, không thịt, không cá, không trứng sữa, không protein…

“Kết quả cháu bé bị sụt cân và tình trạnh nặng hơn, u não của cháu vẫn to thêm. Tuy nhiên cũng may mà họ còn tin và hứa với bác sỹ đưa con trở lại bệnh viện khi bác sĩ yêu cầu, không thì đố bác sỹ làm gì được nữa”- PGS Đồng Văn Hệ cho biết. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân đã ra viện tuần qua với nụ cười tươi, đi lại bình thường.

U tế bào thần kinh đệm là khối u xảy ra ở não và tủy sống. U thần kinh đệm này bắt nguồn từ các tế bào dính kết hỗ trợ (những tế bào thần kinh đệm) – loại tế bào này bao quanh các dây thần kinh và giúp chúng thực hiện chức năng của mình.

Có ba loại tế bào thần kinh đệm gây ra những khối u này. U thần kinh đệm được phân loại dựa trên loại tế bào thần kinh đệm có trong khối u.

Các loại u thần kinh đệm bao gồm:

– Những u tế bào hình sao bao gồm những tế bào u tế bào hình sao, u tế bào hình sao không biệt hóa, u nguyên bào thần kinh đệm.

– Những u màng não thất bao gồm u màng não thất chưa biệt hóa, u màng não thất nhầy nhú, u dưới màng não thất.

– Những u thần kinh đệm ít nhánh bao gồm u thần kinh đệm ít nhánh, u thần kinh đệm ít nhánh chưa biệt hóa và u hình sao ít nhánh chưa biệt hóa.

Triệu chứng của u tế bào thần kinh đệm khá đa dạng, biểu hiện tùy thuộc vào loại u cũng như kích thước, vị trí và tốc độ phát triển của u.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau đầu; Buồn nôn và nôn; Rối loạn hoặc giảm chức năng não; Mất trí nhớ; Thay đổi tính cách hay dễ bị kích thích; Khó khăn trong giữ thăng bằng; Vô niệu; Các vấn đề về thị lực như mờ mắt, nhìn đôi, mất thị trường ngoại biên; Nói khó; Động kinh đặc biệt là trên những người có tiền sử động kinh.

Theo Sức khỏe Đời sống
Phiên bản di động