Trại hè khóa học kỹ năng: Đừng đặt nhiều kỳ vọng

Mấy năm trở lại đây, trại hè, các khóa học kỹ năng dành cho thiếu nhi được coi là một lựa chọn ưa thích của nhiều bậc phụ huynh khi phải “đối mặt” với kỳ nghỉ hè dài của con. Tuy nhiên, hoạt động này đang đặt ra nhiều băn khoăn khi một số tổ chức cá nhân có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, chưa chú trọng nâng cao chất lượng.
Phải đưa kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông Học bơi - Kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

Đa dạng các hình thức trại hè

Nắm bắt được tâm lý của nhiều phụ huynh muốn tìm sân chơi, nơi hoạt động ngoại khóa hay nơi gửi con trong những tháng hè nghỉ học, nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục tư thục đã tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng, trại hè trong nước và cả nước ngoài để đáp ứng nhu cầu này.

Chi phí trung bình mỗi học viên của trại hè từ 7 đến 12 triệu đồng là mức phí không rẻ so với thu nhập của nhiều gia đình nhưng vẫn thu hút quan tâm của nhiều phụ huynh, bởi mong muốn con mình được rèn giũa trong môi trường đòi hỏi tính tự lập, ý thức tự giác cao, các phẩm chất còn thiếu đối với nhiều trẻ em thành thị.

Từ mô hình chỉ chú trọng đến tham quan, dã ngoại, khám phá những miền đất mới đến trại hè rèn kỹ năng với những khóa học chú trọng vào kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn…; trại hè chuyên về giáo dục nghệ thuật cho trẻ được trải nghiệm đầy đủ, đa dạng các bộ môn: Nhảy, múa, ca hát, diễn xuất, vẽ… và cả những trại hè độc đáo, với cách làm khác lạ như trại hè thiện nguyện với các hoạt động từ thiện tại vùng sâu vùng xa, cho trẻ được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người khó khăn hơn mình để rồi học cách chia sẻ và giúp đỡ…; rồi các khóa tu tập mùa hè kéo dài từ 3 đến 10 ngày, dạy về đạo lý nhà Phật, hướng dẫn tìm hiểu và thực hành Phật pháp để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày… hay trại hè quân đội, ở đó, các em được trải nghiệm cuộc sống như một người lính, được rèn nếp sống ngăn nắp, nền nếp và kỷ luật trong quân đội.

Với những nội dung quảng cáo được nhiều trung tâm hứa hẹn như rèn luyện cho trẻ tính kỷ luật, hoàn thiện kỹ năng sống… khiến nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng rất lớn khi đăng ký cho con em theo học.

Chị Nguyễn Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình cho con tham gia trại hè. Năm trước, thấy bạn bè con cũng đi trại hè nhiều nên năm nay mình cũng muốn cho con tham gia. Hy vọng sau chuyến đi này con sẽ trưởng thành hơn và hiền thiện thêm kỹ năng cho bản thân”.

trai he khoa hoc ky nang dung dat nhieu ky vong

Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng

Trước nhu cầu rất lớn về việc tìm nơi vui chơi cho trẻ, bên cạnh một số tổ chức và cá nhân đã nắm bắt cơ hội, tranh thủ kinh doanh bằng nhiều hình thức trong đó xuất hiện một số chương trình hè được tổ chức theo lối chộp giật, nội dung sao chép lẫn nhau, thiếu đầu tư, chuẩn bị kỹ về chuyên môn. Đặc biệt, với mức học phí không hề rẻ, song về chất lượng cũng như đội ngũ giáo viên được đào tạo ở mức độ nào, kỹ năng sư phạm ra sao, phụ huynh cũng chỉ được nghe các cơ sở kinh doanh… “khẳng định” chứ không có bất cứ thứ giấy tờ nào để kiểm chứng. Tại một trung tâm ngoại ngữ nhận tổ chức trại hè tiếng Anh trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, khi đặt câu hỏi về tài liệu, giáo trình được sử dụng trong trại hè đã được đơn vị nào kiểm tra về chất lượng của khóa học thì nhân viên ở đây cho biết: “Tài liệu do trung tâm tự biên soạn, còn chất lượng thì còn tùy vào trình độ tiếp thu của từng trẻ và do phụ huynh tự đánh giá”.

Là một người có kinh nghiệm trong việc cho con tham gia trại hè bán trú, chị Thanh Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Khi phụ huynh xác định cho con đi trại hè phải tìm hiểu thật kỹ đơn vị đưa đi, các hoạt động con sẽ tham gia, mục đích làm gì, đi những đâu rồi hãy cân nhắc đăng ký đi hay không và nên chọn những cơ sở đã có thương hiệu, uy tín để cho con tham gia”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này TS Nguyễn Thị Anh Thư nhấn mạnh, phụ huynh không nên thấy người ta cho con đi cũng hào hứng cho con mình đi theo, nên cân nhắc nhiều yếu tố: sức khỏe, tâm lý của con, môi trường có tác dụng gì với chúng hay chỉ coi đó là nơi giữ trẻ đơn thuần. Bởi, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau trong khi có những hoạt động chỉ phù hợp với một số trẻ nhất định. Có trẻ sau khi tham gia các khóa học ở chùa, học làm nông dân hay học kỳ quân đội đã hình thành được lối sống mạnh mẽ, hướng thiện, yêu thích lao động, nhưng cũng có em vì tâm lý e ngại nhút nhát lại càng trở nên tự ti, bất mãn hơn…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, có những lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ rất hiệu quả nhưng cũng có nhiều lớp mở ra nhằm mục đích thu lợi, hiệu quả giáo dục không cao. Thậm chí, có những lớp dạy kỹ năng giáo dục cho các em chưa đúng cách, kết quả đạt được chỉ là con số 0, đôi khi còn ảnh hưởng nguy hại đến tâm lý, suy nghĩ của trẻ.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, học kỹ năng sống là quá trình, phải học cả đời, không thể chỉ trông chờ vào một, hai khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày như lời quảng cáo của các trung tâm. Do đó, thiết nghĩ, việc nở rộ các khóa học hè là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh khi không có điều kiện để dạy và chăm sóc con cái hoặc bổ sung những điều nhà trường chưa trang bị được.

Thế nhưng phụ huynh cần tự bảo vệ con mình, xem xét, chọn những khóa học phù hợp độ tuổi, sở trường lẫn năng khiếu của trẻ cũng như độ an toàn cho trẻ khi tham gia những khóa học này.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động