Tọa đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2028”

Chiều 25/11, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2028” nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ khách tham quan.
Cố gắng giữa năm 2024 xong dự án bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về quản lý, sử dụng Bảo tàng Hà Nội

Hoạt động này có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện các công ty du lịch, nhà sáng tạo, thiết kế, các bảo tàng…

Đông đảo đại biểu tham dự tọa đàm
Đông đảo đại biểu tham dự tọa đàm

Trong những năm qua, trước những yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, hoạt động của các bảo tàng cũng từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả. Việc làm này phải là một quá trình thường xuyên, liên tục, là nhu cầu tự thân và là mục tiêu mà các bảo tàng luôn hướng đến.

Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội khẳng định để những mục tiêu đó trở thành hiện thực, trong nhiều năm vừa qua Bảo tàng Hà Nội luôn suy nghĩ, trăn trở, làm thế nào để nâng cao và có tính hiệu quả trong các khâu công tác của bảo tàng. Đặc biệt là khâu công tác trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa cốt lõi của Thủ đô trên cơ sơ những sưu tập tài liệu, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ.

“Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bảo tàng Hà Nội ngoài phần trưng bày tạm thời cả 4 tầng được thực hiện từ năm 2010, đã triển khai trưng bày được 61 chuyên đề khác nhau. Những chuyên đề này đã phần nào thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, trung bình mỗi năm Bảo tàng Hà Nội đón 100.000 lượt khách tham quan…

Ngoài việc mở cửa phục vụ khách tham qua, Bảo tàng Hà Nội còn đảm nhận vai trò là địa điểm tổ chức nhiều sự kiên của quốc gia và thành phố. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh kéo dài, lượng khách tham quan sụt giảm, nhiều đợt giãn cách xã hội nên Bảo tàng Hà Nội cũng như nhiều bảo tàng khác phải đóng cửa đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Cùng với đó là những vướng mắc về thủ tục đầu tư cho công tác triển khai dự án trưng bày cố định của bảo tàng đã bị kéo dài”- ông Nguyễn Tiến Đà cho biết thêm.

Khắc phục những khó khăn, sau 3 tháng mở cửa trở lại đón khách tham quan, trung bình mỗi tháng Bảo tàng Hà Nội đón 12.000 đến 15.000 lượt khách/ tháng. Hiện nay Bảo tàng Hà Nội đang là điểm thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Bảo tàng Hà Nội được nhắc tới trong hàng loạt các hội nhóm Facebook như một địa điểm không thể bỏ lỡ khi tới Thủ đô. Tính đến tháng 10/2022, lượng truy cập hashtag #baotanghanoi trên mạng xã hội TikTok đã lên tới 4,9 triệu lượt.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Toạ đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2023- 2028” là cơ hội để bảo tàng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia nhằm góp phần xây dựng ý tưởng trưng bày chuyên đề đặc sắc gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thủ đô, xây dựng điểm đến hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho Bảo tàng Hà Nội.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
PGS, TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS, TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhấn mạnh, gần đây, Bảo tàng Hà Nội đã khắc phục khó khăn, nỗ lực, tổ chức những cuộc trưng bày thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ. “Để Bảo tàng Hà Nội hoạt động tốt trong thời gian tới, tôi đề nghị Bảo tàng Hà Nội tập trung nhân lực, trí tuệ hoàn thành trưng bày thường xuyên; kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo sát sao thực hiện dự án trưng bày; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; đẩy mạnh xã hội hóa làm tăng thêm hoạt động, trau dồi năng lực cán bộ…”.

Ths Nguyễn Thị Bích Vân - Nguyên Giám Đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thì cho rằng, bên cạnh những hoạt động trưng bày, Bảo tàng Hà Nội cần lưu ý xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; xuất bản ấn phẩm, catalog; kết nối với các kênh truyền thông xã hội; xây dựng hệ thống các dịch vụ tiện ích phục vụ khách tham quan như: nhà hàng, quán cafe, museum shop… Đồng thời tăng cường liên kết với các tổ chức, cá nhân xã hội hóa các hoạt động, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên của Bảo tàng Hà Nội.

Các chuyên gia phát biểu ý kiến
Các chuyên gia phát biểu ý kiến

Còn theo ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng), Bảo tàng Hà Nội là của Thủ đô nên cần quy tụ và là địa điểm để các làng nghề tổ chức triển lãm; cần bố trí một không gian giành riêng cho giới trẻ sáng tạo; Phối hợp với các tổ chức cá nhân thực hiện các triển lãm chuyên đề. Bên cạnh nội dung trưng bày, Bảo tàng cũng nên bố trí các không gian trải nghiệm, check in và các dịch vụ tiện ích đầy đủ để thu hút khách đến với bảo tàng.

Tại toạ đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2023 - 2028”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý tưởng xây dựng trưng bày chuyên đề; Công tác xã hội hoá; Xây dựng ý tưởng cho hoạt động giáo dục, trải nghiệm; Định hướng công tác truyền thông, và kết nối với các công ty lữ hành, xây dựng tour tuyến tham quan đến bảo tàng.

Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Đà đã khẳng định, trong tương lai Bảo tàng Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa các trưng bày, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều trưng bày chuyên đề hấp dẫn phục vụ công chúng trong và ngoài nước. Bảo tàng cũng đặt quyết tâm hoàn thiện trưng bày thường xuyên để đón tiếp khách tham quan vào cuối năm 2024.

PV
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động