Tín dụng đen vẫn còn lộng hành: Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì?

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Doanh nghiệp than thiếu vốn nhưng khó vay ngân hàng Tăng cường các giải pháp, hạn chế việc người dân phải tìm đến “tín dụng đen” Mở rộng độ phủ thông tin tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) khi đại biểu nêu vấn đề về thị trường ngầm, tín dụng đen còn bỏ ngỏ, chưa được quản lý hiệu quả, trong buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ của công nhân lao động.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công An được giao là đơn vị đầu mối trong tham mưu, triển khai các nhiệm vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Còn Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có trách nhiệm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Theo Thống đốc, với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã và đoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Tín dụng đen vẫn còn lộng hành: Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì?
Hoạt động cho vay tiền được quảng cáo ở nhiều ngõ phố

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”). Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021.

Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, với hơn 14 triệu khách hàng, tăng 7,63% so với cuối năm 2021. Cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng với dư nợ đạt 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm 22,22% dư nợ nền kinh tế, tăng 11,56% so với cuối năm 2021.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; Đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.

Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 Quỹ Tín dụng Nhân dân; đã có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.

Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách (trong đó, 3 chương trình tín dụng chính sách mới theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến cuối tháng 5/2022 đạt 266.993 tỷ đồng, tăng 7,67% so với cuối năm 2021, với gần 8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về các sản phẩm, dịch vụ tài chính; Cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Trong đó, đặc biệt tập trung việc rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng; Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; Triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, các đối tượng chính sách; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật...

Hậu Lộc
Phiên bản di động