Tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu với chủ đề “Bảo tàng - Nơi kết nối tình yêu di sản”

Nằm trong sự vận động không ngừng của văn hóa, di sản như những mạch nguồn tuôn chảy từ hệ này qua thế hệ khác bồi đắp nên bề dày truyền thống lịch sử, bản sắc của mỗi một đất nước. Từ giá trị của việc bảo tồn và gìn giữ di sản, hằng năm những người làm công tác bảo tàng và công chúng trên toàn thế giới hân hoan chào đón Ngày Quốc tế Bảo tàng như một sự kiện ý nghĩa. Ngày 17/5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu chủ đề “Bảo tàng - Nơi kết nối tình yêu di sản”.
Lễ hội Vật cầu nước ở Bắc Giang được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ấn tượng Việt Nam trên ruộng đồng miền di sản Đưa văn hóa, du lịch thành giá trị phát triển bền vững của quận Hoàn Kiếm

Bảo tàng không chỉ là điểm dừng chân của di sản mà ở đó còn mang sức mạnh của sự kết nối những trái tim say mê tình yêu với di sản. Trên con đường sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam luôn có nhiều người bạn đồng hành, đó là những chủ nhân hiện vật đã đóng góp, làm giàu vào kho di sản văn hóa của bảo tàng và ông Mark Rapoport là một trong những người như thế.

Ông Mark Rapoport trao các hiện vật tới đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Ông Mark Rapoport trao các hiện vật tới đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Đam mê với di sản văn hóa Việt Nam, từ năm 2001 ông Mark Rapoport cùng gia đình đến sống tại Hà Nội. Trong vòng 20 năm, ông đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật về văn hóa của các dân tộc tại Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và ông Mark Rapoport có cơ duyên gặp nhau từ cách đây hơn 10 năm, tổng số hiện vật ông trao tặng cho bảo tàng tính đến nay là 650 hiện vật với đa dạng các loại hình và chất liệu.

Lý giải cho điều này ông chia sẻ: “Tôi trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vì tôi yêu quý và rất tin tưởng nơi này. Đây sẽ là nơi gìn giữ và phát huy tốt những giá trị của chúng”.

Lần này ông Mark dành cho bảo tàng với gần 500 hiện vật, tiêu biểu là các bộ sưu tập: Dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng...

Đông đảo du khách trong và ngoài nước cùng các em sinh viên đã đến tham dự buổi lễ và tìm hiểu về các hiện vật
Đông đảo du khách trong và ngoài nước cùng các em sinh viên đã đến tham dự buổi lễ và tìm hiểu về các hiện vật

Số hiện vật được trao tặng không chỉ gây ấn tượng về giá trị văn hóa mà với ông Mark Rapoport đó còn là những kỷ niệm về những chuyến đi sưu tầm, về những lần ông bất ngờ với văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến là chiếc gùi 3 ngăn - một trong hai hiện vật đầu tiên ông đã mua trong chuyến công tác lần đầu tại Việt Nam năm 1969 từ những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam; Bộ sưu tập bao đựng dao của người Nùng làm bằng gỗ với những dòng chữ, hình ảnh được khắc ở xung quanh và bên trong chiếc bao thể hiện tình yêu, sự lãng mạng của người dân tộc Nùng.

Một số hiện vật do Ông Mark Rapoport trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Một số hiện vật do ông Mark Rapoport trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Mang tính độc, lạ và kỳ công trong số hiện vật trao tặng cho Bảo tàng lần này là 20 bức tranh Đạo giáo về các vị nữ thần trong đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc (như Cô Chín, Bà Mụ…). Điều này đã khơi gợi sự quan tâm của ông Mark Rapoport, mở ra một niềm say mê sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa truyền thông của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu với chủ đề “Bảo tàng - Nơi kết nối tình yêu di sản”

Trong khuôn khổ Lễ tiếp nhận hiện vật còn diễn ra chương trình Giao lưu với ông Mark Rapoport chủ nhân của những bộ sưu tập được trao tặng. Nhiều khán giả trong, ngoài nước và các em sinh viên ngành Di sản tham dự đã đặt câu hỏi và trực tiếp giao lưu với khách mời để hiểu thêm tình yêu của một người nước ngoài với văn hóa di sản của Việt Nam.

Ông Mark Rapoport phát biểu tại buổi lễ
Ông Mark Rapoport phát biểu tại buổi lễ

Ông Mark Rapoport cho biết: "Tôi đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật mà bản thân tôi hoặc bất kỳ người nào đó có thể cần. Tôi cảm thấy giờ là lúc để trao tặng những hiện vật ấy, cũng như truyền tải câu chuyện về những hiện vật tới công chúng.

Tôi tin rằng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là nơi thích hợp để tôi tập trung nỗ lực và mang tới những hiện vật của mình. Tôi cho rằng đó mới chỉ là sự bắt đầu. Tôi hình dung việc sẽ tiếp tục làm việc với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để mở rộng phạm vi hợp tác của chúng tôi và sẽ cùng làm việc với họ và đồng nghiệp của họ. Đây là niềm vui và tôi mong đợi các hoạt động hợp tác trong tương lai".

Hương Thu
Phiên bản di động