Thực hư thử thách đứng 1 chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ

Cố nghệ sĩ Chí Tài đã thực hiện thử thách đứng 1 chân để kiểm tra nguy cơ đột quỵ. Kết quả là ông chỉ trụ được 4 giây. Vậy thử thách này bắt nguồn từ đầu và có cảnh báo chính xác nguy cơ hay không?
Bệnh đột quỵ khiến nghệ sĩ Chí Tài qua đời nguy hiểm thế nào? Nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vì đột quỵ

Thử thách đứng 1 chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ tại Việt Nam rộ lên từ 2019 để hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đột quỵ. Bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ này bắt nguồn từ thử thách One Leg Challenge do Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo.

Thử thách đứng 1 chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ
Cố nghệ sĩ Chí Tài tham gia thử thách đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ

Để kiểm tra nguy cơ, người thực hiện đứng bằng một chân, hai chân không chạm nhau, tay không chạm vào cơ thể. Để tăng độ khó, có thể nhắm mắt khi bấm giờ. Đứng được càng lâu nguy cơ đột quỵ càng thấp. Những người đứng dưới 20 giây tiềm ẩn nguy cơ cao.

Thử thách này xuất pháp từ nghiên cứu trên 1387 người có độ tuổi trung bình 67 của Đại học y khoa Kyoto (Nhật). 95,8% người tham gia thử thách không đứng quá 20 giây và được cho đi chụp cộng hưởng từ não bộ (MRI) để đánh giá nguy cơ. 50,5% trong số đó có 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não), 45,3% có 1-2 điểm vi xuất huyết.

Tại Anh, Hội đồng nghiên cứu y học cũng thực hiện một nghiên cứu có sử dụng bài kiểm tra này với 2.760 nam giới và phụ nữ 53 tuổi. Các tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện 3 bài kiểm tra đơn giản gồm cả thử nghiệm đứng 1 chân để dự báo nguy cơ tương lai. 13 năm sau, các nhà nghiên cứu thu thập kết quả. Theo đó, đã có 177 tình nguyện viên qua đời: 88 người do ung thư, 47 người do bệnh tim và 42 người do các nguyên nhân khác. Bài kiểm tra đứng 1 chân cho kết quả chính xác nhất.

Theo các nhà khoa học, thử thách đứng một chân có thể được coi như "thước đo" tình trạng sức khỏe bởi sự phối hợp tay, chân được kiểm soát bởi mạng lưới thần kinh phức tạp nằm sâu trong não. Các mạch cảm giác kiểm soát tầm nhìn của mắt, vị trí cơ thể trong không gian, phản hồi từ khớp, cơ bắp... để gửi tín hiệu đến hệ tiền đình nhằm giữ cân bằng tay chân.Việc không thể duy trì trạng thái đứng bằng một chân có thể phản ánh các mạch thần kinh đang gặp trục trặc (tắc nghẽn mạch máu não, chảy máu trong não...).

Thử thách đứng 1 chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ
Đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ không thể thay thế việc tầm soát ở bệnh viện

Tuy nhiên, các nghiên cứu của nhà khoa học Nhật Bản, Anh Quốc chưa được đưa vào y văn để đánh giá tình trạng bệnh hay khuyến cáo của Hội Đột quỵ châu Âu.

Bởi vậy, việc thử thách này không thể thay thế việc tầm soát tại bệnh viện. Và tốt hơn hết để phòng chống đột quỵ sớm là rèn luyện sức khỏe, thực hành lối sống lành mạnh và cần thăm khám sức khỏe định kì.

D.Minh
Phiên bản di động