Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải

Thực hiện phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm đỏ trong thành phố

TTTĐ - Các quận, huyện, thị xã phải xây dựng từng kịch bản, có sự phối hợp với các Sở, ngành để thực hiện chỉ đạo chung. Trong đó, các đơn vị phải rà soát phân tích rõ dịch tễ, điều tra, xét nghiệm thần tốc, phân loại để tiếp tục thu hẹp phong tỏa, tiến tới xóa điểm phong tỏa.
Hà Nội sẽ điều chỉnh phương án 3 vùng chống dịch thành thu hẹp điểm phong tỏa

Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch TP Hà Nội Hà Minh Hải đã nhấn mạnh như vậy tại buổi giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với Sở Chỉ huy các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn TP chiều nay (21/9)

Tiến tới xóa điểm phong tỏa

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, đến giờ phút này Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái mới vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị không lơ là chủ quan, đảm bảo đời sống Nhân dân trên địa bàn và việc phát triển sản xuất kinh doanh; Xây dựng từng kịch bản, có sự phối hợp với các Sở, ngành để thực hiện chỉ đạo chung.

“Trong đó, các đơn vị, địa phương phải rà soát phân tích rõ dịch tễ, điều tra, xét nghiệm thần tốc, phân loại để tiếp tục thu hẹp phong tỏa, tiến tới xóa điểm phong tỏa. Muốn thế, chúng ta phải quyết tâm thực hiện xét nghiệm nhanh nhất có thể, có thể nhanh hơn mốc 12 tiếng, 6 tiếng… để nhanh chóng khoanh vùng, thu hẹp”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải chủ trì buổi giao ban
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải chủ trì buổi giao ban

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các quận huyện phải chú ý, không được tăng thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đi lại sinh hoạt, sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND TP.

Đặc biệt các quận, huyện phải “nằm lòng” 8 nguyên tắc quan trọng trong Chỉ thị 22; Thực hiện nghiêm việc phong tỏa hẹp nhất, quản lý chặt nhất. “Phải rất chú ý nội dung này nếu không sẽ không đạt được mục tiêu đề ra”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch phải làm quyết liệt ở các khâu, các bước từ kiểm soát phòng chống dịch đến đảm bảo sức khỏe người dân, phục vụ doanh nghiệp…

“Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ đã triển khai; Bộ tiêu chí hướng dẫn phòng chống dịch, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của TP”, Phó Chủ tịch UBND nói.

Các quận, huyện, xã, phường cũng phải nắm chắc nguyên tắc linh hoạt điều chỉnh theo thực tiễn. TP đã cập nhật đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch rất cụ thể từ hộ gia đình đến khu chung cư, chợ… Phường, xã phải tuyên truyền đầy đủ tới người dân.

"Mục tiêu cuối cùng, cao nhất, số một là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân sau đó mới phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP đã có dự thảo kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh và đang lấy ý kiến các Sở, ngành; Các đơn vị cần khẩn trương có ý kiến báo cáo để thành phố xem xét nhanh chóng triển khai.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh

Trước đó, báo cáo tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, từ 18h ngày 20/9 đến 14h ngày 21/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11 trường hợp F0, trong đó có 9 trường hợp tại khu vực cách ly tập trung, 2 trường hợp tại khu vực phong tỏa. Hiện toàn thành phố có 44 điểm còn phong tỏa, cách ly y tế tập trung tại các quận gồm: Thanh Xuân, Thanh Trì, Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Chương Mỹ.

Về công tác xét nghiệm, từ 18h ngày 20/9 đến 14h ngày 21/9, toàn thành phố đã xét nghiệm được hơn 9.456 mẫu, trong đó có 11 mẫu dương tính, chủ yếu thực hiện lấy mẫu tại các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung. Về công tác tiêm vắc xin, thành phố đã nhận hơn 5,9 triệu liều, tiêm được hơn 5,5 triệu liều.

Ông Trần Văn Chung cho biết, đến nay, thành phố còn hơn 400 nghìn liều vắc xin phòng Covid-19. Vì thế, các địa phương cần rà soát đối tượng chưa tiêm mũi 1 thì tiến hành ngay và tiêm trả mũi 2 cho các đối tượng đã đến thời hạn.

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, nhà máy sản xuất được phép hoạt động trở lại; Cùng với đó, tiếp tục rà soát và tiến hành xét nghiệm cho các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở hoặc các trường hợp tại khu vực cách ly, phong tỏa có nguy cơ cao.

Là địa bàn đang trong mức độ nguy cơ cao nhất của TP, đại diện phường Thanh Xuân Trung Lê Đức Thọ cho biết, phường còn 4 điểm phong tỏa; Trong đó, điểm ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi đang là điểm phong tỏa lớn nhất với khoảng hơn 600 hộ, hơn 2.000 dân. Về cơ bản, điểm này không còn phát sinh F0.

Về việc thực hiện Chỉ thị 22 của UBND TP, đại diện quận Thanh Xuân cho biết đã dỡ chốt cứng trên đường giao thông, duy trì các chốt "vùng xanh" giao cho các tổ Covid-19 cộng đồng. Xác định Thanh Xuân là khu vực có nguy cơ rất cao, quận sẽ kiểm soát chặt chẽ các điểm phong tỏa và căn cứ vào đánh giá dịch tễ để thu hẹp dần các điểm này.

“Ví dụ với chung cư, quận sẽ chỉ phong tỏa 1 tầng nơi có F0 hoặc chỉ thêm tầng trên, tầng dưới, tùy theo đánh giá dịch tễ, đảm bảo giám sát y tế chặt chẽ", đại diện quận Thanh Xuân cho biết.

Đại diện quận Long Biên cho biết: Trong ngày 21/9, quận phát sinh thêm 5 F0 tại ổ dịch tổ 4-5 phường Việt Hưng, trong đó 2 F0 khu phong tỏa và 3 F0 khu cách ly. Đến nay, ổ dịch này đã ghi nhận 17 ca mắc. Dự kiến ngày mai 22/9, quận sẽ lấy mẫu xét nghiệm đợt 3 khoảng 2.000 mẫu để khẳng định việc còn F0 hay không.

Quận Long Biên cũng lập danh sách chi tiết các trường hợp đã tiêm, chưa tiêm trong khu phong tỏa để có giải pháp riêng. Hiện người dân khu vực phong tỏa vẫn được đảm bảo lương thực, chủ yếu qua hình thức đi chợ hộ và các trường hợp khó khăn đều được hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải ghi nhận những nỗ lực và cách làm sáng tạo của quận Thanh Xuân, Long Biên trong công tác kiểm soát ổ dịch; Đồng thời, đề nghị các quận, huyện khác bám sát 8 nguyên tắc trong phòng chống dịch. Trong đó, các quận, huyện đặc biệt lưu ý tiếp tục duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm đỏ trên địa bàn.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động