Thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

TTPL - Sáng 23/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.
Hà Nội tập trung hình thành cực tăng trưởng mới, trung tâm, cụm động lực phát triển kinh tế vùng

Kiểm soát dịch bệnh thành công góp phần quan trọng phục hồi kinh tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi tích cực như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); Thu NSNN đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; Bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội ước trong phạm vi dự toán là 343,67 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4% GDP); Xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%); Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 35-36%); Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 28-29%)...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu không đạt) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 4,4 - 4,9%), thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày báo cáo tại kỳ họp
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày báo cáo tại kỳ họp

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong quý IV/2021 đã có những chuyển biến rất tích cực nhưng hậu quả của dịch COVID - 19 là hết sức nặng nề, sức cầu của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong ngắn hạn. Qua đó khẳng định tính cấp thiết phải thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh thành công đã củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp, tạo cơ sở cho mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trở lại bình thường, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển.

Tốc độ tăng trưởng đạt khá. GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 11/5, tín dụng tăng 7,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,01% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu chi phòng chống dịch, an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách…

Trong nước, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực, cùng với việc triển khai các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo có nhiều khởi sắc, tạo đà đẩy nhanh tăng trưởng quý II và cả năm 2022.

“Nhìn chung, tình hình thế giới có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, những biến động của kinh tế thế giới như lạm phát, giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng... có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống Nhân dân”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết và yêu cầu các cấp, các ngành phải theo dõi, bám sát diễn biến, tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ có được, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, thu, chi ngân sách nhà nước, cắt giảm phí, lệ phí do thường cần thời gian để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua, tổ chức triển khai thực hiện.

Thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội

Chính phủ tập trung vào 10 nhóm chủ yếu. Trong đó, Chính phủ tập trung ưu tiên toàn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); Bám sát diễn biến của dịch COVID-19, tình hình an ninh thế giới…chủ động có kịch bản điều hành đồng bộ, linh hoạt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính…

Cùng đó, Chính phủ theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; Bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu; Thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững;

Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; Xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu;

Chính phủ tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế đã và đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nhất là đẩy nhanh tiến độ triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06, bảo đảm thực chất, hiệu quả…

Chính phủ cũng xác định tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra tình hình mở cửa trường học trở lại, bảo đảm liên tục việc dạy và học trực tiếp; Tổ chức SEA Games 31 chu đáo, an toàn và thành công; Đẩy nhanh công tác triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia;

Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội tích cực, đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước; Kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật.

Hạnh Nguyên
Phiên bản di động