Thua lỗ vẫn “hét” giá cao, ai dám mua cổ phần Tổng công ty Sông Hồng

Dự kiến vào cuối tháng 12/2020, Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần SHG tại Tổng công ty Sông Hồng với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, gấp 5 lần thị giá.
Nguy cơ mất trắng vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng dần hiện hữu Vòng xoáy thua lỗ, Tổng công ty Sông Hồng nói gì?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo tổ chức đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn Tổng công ty Sông Hồng (mã CK: SHG) do Bộ Xây dựng sở hữu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Đáng nói, mức giá này cao gấp 5 lần so với thị giá của SHG hiện tại là 2.000 đồng.

Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá là ngày 25/12/2020.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, cổ phiếu SHG luôn giao dịch trong mức giá rất thấp, hiện tại cũng chỉ rẻ chưa bằng "cốc trà đá". Thậm chí, SHG gần như không có thanh khoản trong vài tháng trở lại đây.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng thì luôn trong tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 38,6 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2020. Qua đó, nâng khoản lỗ lũy kế tới 1.011 tỷ đồng.

Thua lỗ vẫn “hét” giá cao, ai dám mua cổ phần Tổng công ty Sông Hồng
Tổng công ty Sông Hồng

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2020, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 2.071 tỷ đồng; trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 1.534 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ 886,5 tỷ đồng. Việc nợ ngắn hạn cao gần gấp đôi tài sản ngắn hạn cho thấy khả năng thanh toán của công ty "có vấn đề".

Vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Hồng cũng âm tới 705 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tổng công ty Sông Hồng được thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015, hiện nay Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 49% vốn.

Được biết, Tổng công ty Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng và nhiều lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành vào tháng 8/2017, Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Hồng trong năm 2017. Tuy nhiên, với tình cảnh thua lỗ triền miên, đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa thoái được hết vốn tại công ty này.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính cho biết, Tổng công ty Sông Hồng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (dưới 1 năm). Nợ ngắn hạn của công ty mẹ tại ngày 31/12/2019 là 1.117 tỷ đồng, cao hơn số dư tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn tại ngày 31/12/2019 là 505,2 tỷ đồng). Tổng công ty đang bị mất cân đối tài chính, một phần nợ ngắn hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản dài hạn và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.

Về hiệu quả hoạt động đầu tư, tại ngày 31/12/2019, Tổng công ty Sông Hồng có số dư đầu tư tài chính tại 30 công ty với tổng số tiền là 284 tỷ đồng; cổ tức được chia năm 2019 là 1,4 tỷ đồng; tỷ suất sinh lời rất thấp là 0,5%.

“Trong số 30 doanh nghiệp Tổng công ty Sông Hồng có góp vốn đầu tư, Tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại 22 đơn vị với tổng số tiền là 221 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư ra ngoài của Tổng công ty không có hiệu quả”, Bộ Tài chính đánh giá.

Theo Bộ Tài chính, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tổng công ty Sông Hồng rất khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục. Đến thời điểm ngày 31/12/2019, Tổng công ty Sông Hồng bị mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu, số lỗ lũy kế lớn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; vốn Nhà nước đầu tư không được bảo toàn.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng khẩn trương xây dựng các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, triển khai tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản đầu tư, cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục.

Văn Huy
Phiên bản di động