Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ, tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo độc đáo..."
Khơi dậy lòng tự hào, giáo dục thế hệ trẻ nêu cao lòng tự trọng, tự tin, trách nhiệm với Hà Nội Các thế hệ trẻ nguyện trung thành với Đảng, với nhân dân... Tấm gương sáng để thế hệ trẻ viết tiếp những trang sử hào hùng

Sáng 10/11, kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Mức tăng trưởng dương của Việt Nam được cả thế giới ghi nhận

Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các đại biểu đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời về nhiều vấn đề quan trọng mang tính thời sự, được đồng bào cử tri và dư luận quan tâm. Nội dung thảo luận, phân tích, chất vấn sâu sắc, thẳng thắn, sát tình hình từ kinh tế - văn hóa - xã hội, môi trường, bão lũ, quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng… Qua đó thể hiện tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao với mọi mặt đời sống xã hội và phát triển đất nước. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhiều lần trình bày, thảo luận và trả lời với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và Nhân dân.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - đặt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quảng Trị) đặt câu hỏi chất vấn

Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu và đồng bào cử tri, tập trung chỉ đạo sớm khắc phục hạn chế bất cập, nỗ lực đạt cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2020 và 5 năm, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch sắp tới, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, tầm nhìn đến 2045 theo nghị quyết cửa Đảng và Quốc hội

“Không chỉ năm 2020 mà từ đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối phó những thách thức lịch sử, từ thiên tai, hạn hán tới sự cố Formosa, dịch bệnh Covid-19, mưa lũ chưa từng có nhưng chúng ta đã tạo ra 1.200 tỷ USD trong những năm qua. Mức tăng trưởng dương đạt được của năm 2020 là một kỳ tích”, Thủ tướng nói.

Câu chuyện bó đũa được Thủ tướng nhắc lại để khẳng định tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức cho đất nước. Năm 2020 thể hiện những dấu mốc cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng cảm ơn Quốc hội, các cơ quan tư pháp đã đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình 5 năm qua.

"Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ, tinh thần khởi nghiệp, nhiều ý tưởng táo bạo, sáng tạo độc đáo. Vì vậy, chúng ta cần trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên, tạo nhiều việc làm mới, cần có cơ chế thu hút nhân tài", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, 6 năm qua, chúng ta đã tạo ra 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững, đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp".

Một thành tích được Thủ tướng nhấn mạnh là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Đó là yếu tố quan trọng trong các chính sách để giảm nghèo bền vững. Nhóm dân số trung lưu của Việt nam đang tăng mạnh, dự báo sẽ lên mức trên 50% dân số.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về hơn 1 triệu người đang có mức lương hưu quá thấp khi nghỉ hưu trước năm 1993. Thủ tướng khẳng định đã giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết thấu đáo vấn đề này.

Nhìn lại chặng đường đầy khó khăn, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong Nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước Châu Âu áp dụng tái phong tỏa. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, chúng ta không được chủ quan lơ là, đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vaccine… phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội...

Nói về hoạt động cứu hộ cứu nạn sau đợt mưa bão, lũ lụt lịch sử tại miền Trung những ngày qua, Thủ tướng khẳng định, tình đồng chí, đồng bào thể hiện là minh chứng cho tính ưu việt, nhân văn của chế độ. Thủ tướng yêu cầu sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống Nhân dân. Chính phủ sẽ nghiêm khắc kiểm điểm, xem xét các vấn đề, từ việc giữ rừng, vận hành thủy điện vừa và nhỏ, xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ quét, kiện toàn lực lượng phòng chống thiên tai để nâng cao năng lực của đội ngũ này…

Thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên

Thừa nhận hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao, Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng cao năng lực xây dựng chính sách, hoạt động của bộ máy cán bộ công chức, viên chức, cải cách hành chính. Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền về cơ chế tiền lương, tuyển dụng cán bộ phù hợp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đột phá chiến lược trong thời gian tới. Thủ tướng mong có được sự chia sẻ, góp sức của các đại biểu Quốc hội để cùng xây dựng chính sách pháp luật khả thi, đi vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa.

Nhắc tới việc xác định mục tiêu tăng trưởng 6% của năm tới mà Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến, lãnh đạo Chỉnh phủ nhận định, đây là mục tiêu khiêm tốn. Tuy nhiên, trước những thách thức thực tế như diễn biến của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, Chính phủ nỗ lực xây dựng các kịch bản để trong trường hợp nào cũng chủ động điều hành nền kinh tế.

“Thách thức lớn nhất không phải thoát bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ” (Ảnh minh họa)

Về lĩnh vực xã hội, Thủ tướng nhắc tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Thủ tướng đề cập, ngày nay trẻ em Việt Nam ai cũng được đến trường, được vui chơi nhưng người dân nào cũng có thể thấy những hạn chế của ngành Giáo dục và Đào tạo như các đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường. Chính phủ sẵn sàng cho các hoạt động đổi mới toàn diện ngành Giáo dục và Đào tạo, từ chương trình tới sách giáo khoa nhưng trung tâm mỗi ngôi trường vẫn là người thầy; Vì vậy, tập trung đào tạo đội ngũ sư phạm chính là mục tiêu quan trọng cho thời gian tới.

Về lĩnh vực y tế, Thủ tướng nhận định còn nhiều việc phải làm; Cần xem xét lại xu hướng thương mại hóa quá mức, tiền nào vải nấy trong hoạt động khám chữa bệnh; Cần điều chỉnh để người dân có thể tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh với mặt bằng công bằng, chi phí hợp lý.

Chính phủ không chấp nhận cảnh người dân phải khám chữa bệnh trong bối cảnh mù mờ về chi phí y tế. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế phải hành động quyết liệt hơn nữa để minh bạch hóa chi phí khám chữa bệnh của Việt Nam.

Thủ tướng nhắc lại trường hợp sinh viên Đại học Ngoại thương Trần Thủy Tiên đã chiến thắng căn bệnh ung thư khiến ông rất xúc động. Đây là câu chuyện truyền cảm hứng để mỗi người dân cùng nỗ lực tiến về phía trước.

Về việc phát triển văn hóa, Thủ tướng khẳng định tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chính phủ sẽ trình Quốc hội kế hoạch ngân sách ưu tiên hơn cho lĩnh vực văn hóa để chăm chút, bồi đắp hơn nữa cho nền tảng này của quốc gia, dân tộc.

Trả lời về vấn đề gói hỗ trợ an sinh xã hội, Thủ tướng nhận định, hỗ trợ người dân đang được thực hiện tốt nhưng hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh thì chưa tốt. Đây là điểm cần khắc phục. “Chúng tôi đã thấy rõ điểm bất cập này để khắc phục cho tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Vấn đề bồi dưỡng nhân tài từ nguồn nhân lực trẻ, Thủ tướng chia sẻ quan điểm với đại biểu Nguyễn Anh Trí: “Nhân tài không nhất thiết chỉ là trong cơ quan Nhà nước, là cán bộ, Đảng viên mà nhân tài có rất nhiều trong Nhân dân; Phải làm sao thu hút, khuyến khích nhân tài trong gần 100 triệu người dân Việt Nam”.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động