Thủ tướng: Ngành ngân hàng phải có giải pháp ổn định, bảo đảm an toàn hệ thống

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng phải tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Nhà nước: Ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu căn cơ và lâu dài

Đây là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại sáng 16/10.

Theo đó, ngoài những kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng và người dân.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, hệ thống các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều ngân hàng thương mại còn lạc hậu. Còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao.

Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát của ngân hàng còn chưa chủ động, sâu sát, kịp thời, còn để xảy ra sai phạm. Một số ngân hàng thương mại yếu kém phải quyết liệt xử lý, mặc dù rất khó khăn, cần nguồn lực.

Thủ tướng: Ngành ngân hàng phải có giải pháp ổn định, bảo đảm an toàn hệ thống
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng phải tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ tại buổi làm việc ngày 4/8/2022 với tinh thần: "Nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại cũng cần hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai Basel II. Phát triển mạnh mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động