Thủ tướng: Nâng cao vai trò nêu gương của người đứng đầu trong chỉ đạo phòng, chống dịch

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tuần qua, đồng thời, đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình trong thời gian tới.
Bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Thủ tướng Chính phủ: Xử nghiêm việc trục lợi quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch

Loạt tín hiệu đáng mừng

Sáng 11/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia và các ý kiến tại cuộc họp, công tác phòng chống dịch những ngày qua đạt nhiều kết quả đáng mừng, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu, cho thấy việc chuyển hướng trong phòng chống dịch trong thời gian qua là đúng đắn, hiệu quả.

Thủ tướng: "Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong tuần qua, tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại cộng đồng đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng (giảm 60%), Bình Dương (giảm 27%), Long An (giảm 3%). Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP. HCM giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.

Tình hình dịch tại TP. HCM trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí là số mắc trong cộng đồng và số tử vong. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới, Thành phố sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong. Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm.

So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh: TP. HCM (giảm từ 3,7% xuống 1,4%), Long An (giảm từ 2% xuống 0,5%), Tiền Giang (giảm từ 1,2% xuống 0,2%). Hiện số lượng vaccine đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những quyết sách, giải pháp quyết liệt, đúng hướng, điều chỉnh rất chính xác của Ban Chỉ đạo quốc gia. Ông nêu 3 điểm ấn tượng nhất: Việc chuyển hướng chiến lược lấy xã phường là "pháo đài", người dân là chiến sĩ, sự quan tâm, sâu sát của các cấp, các ngành, đặc biệt là cá nhân Thủ tướng tới các "pháo đài"; việc xét nghiệm thần tốc và tổ chức tiêm vaccine kịp thời; bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu đói và đưa trạm y tế lưu động tới tận phường, xã. Ông lấy ví dụ, người dân rất mừng khi Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tới 15/9 phải hoàn thành xét nghiệm toàn dân và tiêm xong vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi tại Hà Nội.

Thủ tướng: "Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch"
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (hàng dưới, thứ hai từ phải qua) đánh giá cao những quyết sách, giải pháp quyết liệt, đúng hướng, điều chỉnh rất chính xác của Ban Chỉ đạo quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt nhiều câu hỏi và có các lưu ý cụ thể với các địa phương về công tác phòng chống dịch. Với Kiên Giang, Thủ tướng chỉ rõ, tỉnh quán triệt không hết, tổ chức thực hiện không tốt các biện pháp đã có đầy đủ, rất cụ thể trong các công điện gần đây của Thủ tướng. Một số điển hình tốt được Thủ tướng biểu dương tại cuộc họp. Qua kiểm tra, Thủ tướng cho biết Chủ tịch UBND Phường 10, Quận 3, TP. HCM nắm rất chắc tình hình thực tế và các chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả, phường có hàng ngàn ca mắc nhưng đã kiểm soát được.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự chấp hành của người dân trong thực hiện giãn cách xã hội.

Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như quân đội, y tế, công an, các cơ quan truyền thông, các tổ COVID cộng đồng. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta thấu hiểu, chia sẻ sự mất mát về người, về sức khỏe, của cải của nhân dân do dịch bệnh.

Không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới, theo đó, giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian giãn cách. Muốn vậy, phải có tư duy, nhận thức, phương pháp luận, cách tiếp cận thống nhất, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả một số giải pháp như tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở cơ sở. Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch. Tăng cường cơ chế, chính sách, nguồn lực cho phòng chống dịch, các chính sách cần được cân nhắc thấu đáo, tổng thể, toàn diện.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Đây là bài học từ thực tiễn trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng: "Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch"
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong bối cảnh dịch bệnh, càng thấy rất rõ năng lực của cán bộ và của hệ thống chính trị, hệ thống y tế mỗi nơi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là "pháo đài"; người dân phải thật sự là "chiến sĩ"; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phải lấy hiệu quả để đánh giá. Thủ tướng yêu cầu TP. HCM sơ kết mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà để nghiên cứu nhân rộng.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương; sớm triển khai chương trình "sóng và máy tính cho em" để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" trong lúc khó khăn. Tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống dịch về xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị..., Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể thêm về nội dung này.

Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng nêu rõ phương châm truyền thông với mục tiêu "Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm". Đẩy mạnh truyền thông lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải quán triệt tư tưởng này tới toàn hệ thống chính trị và từng người dân.

Chuẩn bị vaccine cho năm tới và cho trẻ em

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.

Tiếp tục triển khai 6 nhóm trọng tâm trong hoạt động dân vận để thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân. Thủ tướng nêu rõ, song song với công tác phòng chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khoa học, toàn diện xuất phát từ thực tế để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Các Tiểu ban, bộ ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc đã được ban hành, chủ động linh hoạt căn cứ vào tình hình, diễn biến của dịch bệnh để chỉ đạo, tổ chức thực hiện cho hiệu quả.

Thủ tướng: "Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới là giảm thấp nhất số ca tử vong, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động hơn nữa trong chuẩn bị vaccine cho năm tới và cho trẻ em. Xem xét, tính toán kỹ việc phân bổ vaccine theo thứ tự ưu tiên, thực sự linh hoạt, phù hợp, khoa học, an toàn, hiệu quả. Hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vaccine, xét nghiệm và điều trị. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Tập trung phát triển công nghiệp dược. Chủ trì, xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp.

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.

Thủ tướng nhấn mạnh, càng trong lúc này, các cấp, ngành, địa phương càng cần tiếp tục tăng cường hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, đưa ra yêu cầu, mục tiêu, hiệm vụ, giải pháp phù hợp, tạo thống nhất cao trong nội bộ và sự ủng hộ của nhân dân, tổ chức thực hiện tốt để thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã đề ra, nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở về trạng thái bình thường mới, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.

PV
Phiên bản di động