Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu.
Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp Tết năm 2023 Thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước là không chính xác

Văn phòng Chính phủ nhận được báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí trong tuần liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về các giải pháp điều hành xăng dầu.

Cụ thể, báo chí tuần qua tiếp tục có loạt bài về các bất cập trong cơ chế điều hành xăng dầu, phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt hiện nay, nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý (chi phí nhập khẩu trong giá cơ sở, doanh nghiệp đầu mối ngưng nhập hàng, quy định tạo khâu trung gian phân phối, cơ quan hải quan không cho nhập khẩu xăng dầu); vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia bảo đảm nguồn cung dài hạn.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cần có sự hợp tác tích cực hơn giữa các cơ quan chức năng trên tinh thần chung là duy trì lượng cung, đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo sự hài hòa lợi ích theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả (đây là vấn đề dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp đến người dân).

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ thuộc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ngoài Bộ Công thương, hiện có 6 bộ ngành cùng quản lý.

Trong đó, Bộ Công thương là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung - tức là nguồn cung xăng dầu ra thị trường và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối. Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính; Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các địa phương cũng được giao trách nhiệm này.

Ngoài ra, còn có Ngân hàng Nhà nước có vai trò là cơ quan cấp hạn mức tín dụng, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường…

Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu có 4 tầng lớp: Doanh nghiệp nhập khẩu (tức doanh nghiệp đầu mối) - Thương nhân phân phối (doanh nghiệp mua xăng dầu từ đầu mối) - Tổng đại lý/ đại lý - Cửa hàng bán lẻ.

Với cấp tổng đại lý/đại lý và cửa hàng bán lẻ, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hiện có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép, giám sát hoạt động. Cho nên, trong việc phân phối thì ngoài việc quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối thì rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý đối với hai cấp độ này. Có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả.

Hậu Lộc
Phiên bản di động