Thủ tướng: Bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thoái vốn Nhà nước tại 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất bình quân 5 năm

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/12.

Theo ông Sơn, ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022, những nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong tháng còn lại của năm.

Chia sẻ về nội dung phiên họp, ông Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp đã thông tin, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn tác động đến Việt Nam, tuy nhiên, nhờ thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển nhanh kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật.

Thủ tướng: Bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước càng phải cao khi người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. (Ảnh: VGP)

Theo lãnh đạo Chính phủ, những kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra.Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng...

Về các nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát; bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng; càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định; đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành.

Trên tinh thần này, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỉ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Đặc biệt là việc thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...; chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán...

Hậu Lộc
Phiên bản di động