Thu phí theo khối lượng: "Cuộc cách mạng" trong xử lý rác thải sinh hoạt

Từ năm 2025 phí thu gom rác thải sẽ tính theo khối lượng và nguyên tắc thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn.
Thái Nguyên: Nhà vệ sinh làm bằng chai nhựa dạy học sinh bảo vệ môi trường Luật BVMT 2020 “xoá bỏ” chồng chéo quản lý và phân rõ trách nhiệm

Hầu hết các chuyên gia môi trường đều cho rằng, việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết và phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, để luật thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý và quan trọng nhất là sự ủng hộ của người dân.

Bài 1: Xả nhiều rác, trả nhiều tiền: Khó cũng phải làm

Rác thải từ lâu luôn là mối đe dọa khẩn cấp và tiềm tàng với Hà Nội. Một đô thị lớn với tốc độ phát triển chóng mặt, dân cư đông, vấn đề vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải ngày càng trở nên nan giải và bất cập. Không chỉ khâu xử lý rác còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà ngay từ công tác thu gom, vận chuyển rác thải cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thu phí rác thải theo bình quân nhân khẩu như hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.

Rác thải sinh hoạt ở Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng

Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, chiếm tới hơn 90% trong số đó là rác thải sinh hoạt. Riêng tại Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm.

Rác được tiếp nhận, xử lý hằng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Trong khi đó, mỗi ngày bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn tiếp nhận khoảng 4.500 đến 5.000 tấn rác sinh hoạt của các quận, huyện.

Thu phí rác thải theo khối lượng: Cuộc cách mạng trong xử lý rác sinh hoạt
Bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn tiếp nhận khoảng 4.500 đến 5.000 tấn rác sinh hoạt của các quận, huyện

Theo báo cáo hiện nay, hai bãi rác chính của Hà Nội đã bị quá tải. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt hiện đều vận chuyển và xử lý ở khu phía Nam của Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm). Như vậy, khu phía Nam đến nay đã phải tiếp nhận khoảng 5,5 triệu tấn rác, vượt công suất thiết kế 1,4 triệu tấn.

Tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay phải tiếp nhận xử lý khoảng 1.200 - 1.300 tấn rác thải một ngày. Nhìn tổng thể, cái khó trong bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của Hà Nội là toàn thành phố chỉ có hai Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, lượng rác thải đã vượt quá công suất tiếp nhận, công nghệ xử lý lại chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.

Chính vì công nghệ xử lý chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh, cộng thêm việc quá tải nghiêm trọng của hai khu xử lý càng làm trầm trọng thêm tình trạng “khủng hoảng” rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội. Điều này dẫn đến nhiều năm qua, đã 15 lần người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn chặn xe rác không cho vào khu xử lý rác, gây ảnh hưởng đến môi trường và trật tự xã hội.

Được biết, từ năm 2021, nếu dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đúng tiến độ thì tối đa 4.000 tấn rác trong số khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt của Hà Nội sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. 3.000 tấn rác còn lại sẽ tiếp tục được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại các ô chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, cho đến khi có các dự án xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới thay thế.

Bất cập thu phí rác thải sinh hoạt theo hộ gia đình

Theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình. Theo đó, cá nhân cư trú ở các phường là 6.000 đồng/người/tháng và 3.000 đồng/người/tháng với cá nhân cư trú ở xã, thị trấn.

Theo các chuyên gia, cách thu phí rác thải theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít tuy đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.

Chia sẻ về điều này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp khoa Khoa học Môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho rằng, quy định hiện nay đang thực hiện theo cách thu phí xử lý, thu gom rác thải theo bình quân đầu người là không chính xác vì gia đình khá giả hay hộ nghèo đều tính giá như nhau, vừa không khuyến khích giảm phát thải tại nguồn vì xả nhiều hay ít cũng đóng chung một mức giá. Người xả rác ít cũng phải chịu chung phí xử lý phần ô nhiễm mà người xả nhiều gây ra, không công bằng.

Theo ông, Nhà nước bao cấp sẽ dễ nảy sinh cơ chế xin - cho còn để cho người dân đóng góp quá ít, không theo nguyên tắc người gây ô nhiễm nhiều phải trả tiền nhiều khiến họ vô tư xả rác, không quan tâm đến việc phân loại rác tại nguồn cho đơn vị xử lý.

Khảo sát tại một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô cũng cho thấy, giá dịch vụ vệ sinh môi trường tại nông thôn quy định 3.000 đồng/nhân khẩu chưa đủ cân đối kinh phí chi trả công tác duy trì vệ sinh môi trường. Thực tế trên cũng đã được Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân các huyện nhận định, mức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường ở các quận 6.000 đồng/nhân khẩu nhưng ở huyện chỉ 3.000 đồng/nhân khẩu, trong khi địa bàn huyện rộng, ngõ xóm dân cư cách xa nhau khiến công tác thu gom vất vả nên mức giá chênh lệch như vậy là không hợp lý.

Thu phí rác thải theo khối lượng: Cuộc cách mạng trong xử lý rác sinh hoạt
Việc thu phí rác thải bình quân như hiện nay mới chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn kinh phí xử lý rác gần như vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, thực tế, việc thu phí xử lý chất thải sinh hoạt ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung hiện nay theo hình thức hộ gia đình hay đầu người mới chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn kinh phí xử lý rác gần như vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách.

Theo Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi quốc tế đề xuất mức phí chi trả chiếm từ 1 - 1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Đơn cử, mức thu phí tối đa hằng năm tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) là 103,35 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, doanh thu thực tế tại 4 quận này chỉ là 65.817 triệu đồng/năm, tương đương 64%. Trung bình, Hà Nội phải chi 3,5% ngân sách hằng năm để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân, tương đương khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, để môi trường Thủ đô xanh – sạch – đẹp, bên cạnh việc đầu tư công nghệ xử lý rác thải mới để biến rác thải thành tài nguyên thì việc người dân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định.

Đồng thời, việc đóng phí vệ sinh môi trường đúng và đầy đủ để đảm bảo công tác thu gom rác được thông suốt là yếu tố vô cùng quan trọng. Việc thay đổi cách tính phí rác thải sinh hoạt áp dụng từ năm 2025 được cho là có tính đột phá và sẽ tạo cuộc cách mạng về xử lý rác thải sinh hoạt khi “đánh trực tiếp vào kinh tế” của người dân, đồng thời cũng tạo nên sự công bằng, ai xả rác nhiều, phải trả tiền nhiều…

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động