Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Chưa xác định ngày thi, hàng vạn thí sinh như ngồi trên lửa

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đang họp bàn, nghiên cứu lịch thi, phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, mỗi địa phương đưa ra những ý kiến khác nhau thì hàng vạn thí sinh của 27 tỉnh thành như đang ngồi trên lửa. Bởi, dịch bệnh thì vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn ở nhiều nơi mà năm học mới đã cận kề.
Dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2; ổ dịch Hải Dương cơ bản được kiểm soát Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Xuất hiện điểm liệt môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp “lịch sử”: Ngành giáo dục "căng mình" thực hiện 2 từ khóa

Mỗi tỉnh một ý kiến, thay đổi lịch thi liên tục

Tuần qua, từ Bộ GDĐT cho đến từng địa phương đều đưa ra nhiều ý kiến xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Lúc thì bộ ấn định ngày thi vào 29, 30, 31.8 nhưng sau đó rút lại vì “cân nhắc tình hình dịch”. Thế nhưng trong cuộc họp với 27 Sở GDĐT mới đây, bộ vẫn nghiêng về phương án thời gian thi cuối tháng 8 nhưng… vẫn còn bàn, còn cân nhắc.

Dù vậy, nhiều tỉnh thành đã “lục đục” chuẩn bị cho phương án này. Nói vậy là bởi, cuối tháng 8 tức là các địa phương chỉ còn khoảng 1 tuần nữa để chuẩn bị tất cả cho một kỳ thi quan trọng. Tại các tỉnh như: Quảng Nam, Đắk Lắk, Sở GDĐT thậm chí đã triển khai từ việc thông báo cho thí sinh, giáo viên về lịch thi cho đến việc kiểm tra dịch tễ.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam - nói chắc chắn, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức thi từ ngày 29 đến ngày 31.8. Để đảm bảo cho kỳ thi, ngày 24.8, sở sẽ phối hợp với ngành Y tế tỉnh, chính quyền địa phương điều tra dịch tễ phụ huynh học sinh, rà soát thật kỹ lưỡng đối với từng đối tượng tham gia vào kỳ thi. Danh sách cán bộ làm công tác thi phải có đầy đủ khai báo y tế gửi về hiệu trưởng và được làm hết sức kỹ lưỡng.

Ngoài ra, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 này, tại các điểm thi trong tuần sau bắt đầu phun thuốc khử khuẩn, bố trí theo kế hoạch của Bộ GDĐT.

Ông Quốc thông tin thêm, phương án thi đợt 2 của tỉnh là hơn 9.000 thí sinh thi tại 409 phòng thi của 28 điểm thi, trong đó có 26 điểm thi tại 6 huyện, thị, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, 1 điểm thi tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (174 thí sinh) và 1 điểm thi tại THPT Hiệp Đức (54 thí sinh) dành cho thí sinh đợt 1 không thi được do ở tại các địa phương giãn cách hoặc cách ly. Cả tỉnh sẽ điều động cán bộ coi thi 1.638 người ngay trong địa bàn huyện hoặc lân cận, gồm giáo viên bậc THPT và THCS.

“Các trường sẽ sớm báo cáo cụ thể danh sách thí sinh, giáo viên, ghi rõ yếu tố dịch tễ, kết hợp với địa phương để xác định, nắm rõ từng trường hợp. Từ đó, chúng tôi sẽ bố trí phòng thi cho F1, F2, có kế hoạch đưa đón thí sinh diện F1 đi thi, bố trí giám thị. Trong thời gian tới, nếu còn địa phương giãn cách xã hội thì sẽ di chuyển thí sinh ra địa bàn khác để tổ chức thi, còn giám thị sử dụng tại địa phương không giãn cách” - ông Quốc chia sẻ.

Cùng “không khí” khẩn trương này, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk - cho hay, theo văn bản thông báo của Bộ GDĐT, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 cho hơn 5.000 thí sinh ở TP.Buôn Ma Thuột vào mốc thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9. Địa bàn thành phố sẽ có tổng cộng 9 điểm thi, nếu trong thời gian đến địa phương phát hiện có thí sinh thuộc diện F1, F2 thì Phòng GDĐT sẽ bố trí ngồi phòng riêng để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Riêng với Đà Nẵng, vùng tâm dịch với hơn 10.000 thí sinh chưa thi, ngày 22.8, UBND Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ GDĐT xem xét tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 2) tại Đà Nẵng chung với các tỉnh, thành phố khác có thí sinh chưa tham gia Kỳ thi đợt 1. Thời gian kiến nghị là vào các ngày 2, 3, 4, 5.9. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, lịch thi của mỗi tỉnh mỗi khác và bộ vẫn chưa chốt phương án cuối cùng.

Thí sinh sốt ruột, bất an

Theo thống kê, cả nước có 26.014 thí sinh của 27 tỉnh, thành trên cả nước chưa thể dự thi đợt 1. Trước những thông tin mỗi nơi một kiểu như hiện nay, hàng vạn thí sinh đó như ngồi trên đống lửa.

Thí sinh Nguyễn Văn Tài, ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng lo lắng: “Thông tin của bộ đưa ra lúc thì thi giờ này, lúc thì đổi lại giờ khác vì sợ dịch bệnh khiến các thí sinh càng sốt ruột. Hàng triệu thí sinh khác đã được thi, đã có điểm thi và chuẩn bị xét tuyển đại học các trường “top” trên và ngày khai giảng năm học mới sắp cận kề, vậy mà đến giờ các thí sinh vùng dịch chưa biết ngày thi là điều rất vô lý. Chúng em cũng cần thời gian để chuẩn bị tâm lý, việc thi cử không thể hô lúc nào đi lúc đó được”.

Cùng chung nỗi lo lắng về lịch thi, thí sinh Phạm Thị Thục V - trú tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - cho biết, nhiều thí sinh như V đang phải đấu tranh tâm lý bởi vừa muốn thi để kịp nhập học cùng bạn bè nhưng nhìn lại tình hình dịch bệnh còn phức tạp cũng lo sợ.

“Trong đợt 1, một thầy giáo tại Quảng Nam bị phát hiện mắc COVID-19 khiến ai cũng hoang mang. Đó là chưa kể, dù nói đề thi lần này cân bằng với đề thi đợt 1, các trường đại học vẫn tạo điều kiện để dành chỉ tiêu cho thí sinh đợt 2 nhưng chúng em chưa biết thực tế thế nào” - V nói.

Có thể thấy, dù lịch thi được ấn định vào thời điểm nào, cân nhắc bao nhiêu vấn đề về an toàn, đề thi, tuyển sinh… thì việc 26.000 thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đã là thiệt thòi cho các em, đặc biệt là vấn đề tâm lý. Vì vậy, việc tốt nhất và khẩn cấp nhất hiện nay là Bộ GDĐT phải đưa ra lịch thi, phương án thi cụ thể để các địa phương sớm triển khai và thí sinh cũng xác định tâm lý chuẩn bị bước vào kỳ thi.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động