Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Gọn nhẹ hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc thực hiện đề án chính quyền đô thị theo mô hình chính quyền 2 cấp ở khu vực nội thành, nội thị và 3 cấp tại nông thôn (huyện), đồng thời đổi mới các cơ quan chuyên môn của thành phố và quận phù hợp với tính chất đô thị; đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Đại biểu HĐND TP băn khoăn có thể xây dựng Hà Nội thành Thủ đô ẩm thực? Xem xét nhiều nội dung quan trọng trình kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố
thi diem khong to chuc hdnd cap phuong tai ha noi gon nhe he thong hanh chinh nang cao hieu qua quan ly
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu chiều 14/11.

Chiều 14/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã báo cáo làm rõ thêm một số điểm.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Bộ máy chính quyền của thành phố hiện nay đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ 3 cấp trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống rất tập trung, mật độ dân cư cao nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định, điều hành của UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, những thách thức ngày càng tăng của quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự đối với Thủ đô đòi hỏi một cơ chế chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm của thành phố.

Vì vậy, việc thực hiện đề án chính quyền đô thị theo mô hình chính quyền 2 cấp ở khu vực nội thành, nội thị và 3 cấp tại nông thôn (huyện), đồng thời đổi mới các cơ quan chuyên môn của thành phố và quận phù hợp với tính chất đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa thành phố Hà Nội với các cơ quan chuyên môn và UBND quận, thị xã là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Thủ đô Hà Nội.

Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội, Đề án lần này của thành phố Hà Nội có sự chuẩn bị công phu và xây dựng lộ trình từng bước thận trọng.

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, quá trình xây dựng, hoàn thiện, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố đã thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12; tổ chức 8 hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; nhiều lần xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương bằng hình thức trực tiếp và văn bản; báo cáo xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ về nội dung của Đề án trước khi trình Bộ Chính trị.

Thành phố tiến hành rà soát thu thập số liệu phục vụ xây dựng Đề án với 88 cơ quan đơn vị thuộc thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương; 30 quận, huyện, thị xã. Thành phố cũng đã tổ chức điều tra hơn 7.600 phiếu với 3 nhóm đối tượng: Cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn và tổ dân phố. Các ý kiến đều thể hiện sự đồng tình với nội dung đề án và đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc triển khai đề án.

Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu kỹ lưỡng mọi tác động của đề án khi được triển khai. Thành phố rà soát lại chức năng của HĐND phường để bảo đảm khi thực hiện Đề án quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế; đồng thời rà soát lại, phân cấp giữa trung ương và thành phố, giữa thành phố với quận, huyện, xã, phường để tạo sự chủ động trong điều hành. Đề án phân cấp này, thành phố cũng đã trình cùng với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Về chức năng nhiệm vụ của HĐND, thành phố cũng đang nghiên cứu và chỉ đạo để xây dựng đề án bầu cử đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã, yêu cầu phải có tất cả đại diện các phường trên địa bàn.

HĐND quận, thị xã thực hiện vai trò giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ được HĐND quận, thị xã giao. Hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, được bảo đảm thông qua đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu HĐND thành phố và tăng cường tiếp xúc của các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã trên địa bàn. Qua đó, cử tri phản ảnh tâm tư, nguyện vọng đến các cơ quan và sẽ thường xuyên tiếp dân.

Thành phố chủ động xây dựng phương án sắp xếp cán bộ sau khi đề án được triển khai thí điểm. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hướng dẫn của các bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án sắp xếp cán bộ, tổ chức vận hành công tác quản lý nhà nước tại phường bảo đảm thông suốt, liên tục. Hiện nay, thành phố đã khảo sát, phân loại và có phương án cụ thể về công tác cán bộ, công chức, viên chức của phường, trên cơ sở đó báo cáo các cấp theo quy định.

Về thời điểm có hiệu lực, trên cơ sở công tác chuẩn bị đề án rất công phu, có tính khả thi, đồng thời nhằm bảo đảm kịp thời đồng bộ về nhân sự và ổn định bộ máy theo quy hoạch và hướng tới đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu HĐND theo nhiệm kỳ, vì vậy, thời điểm có hiệu lực như trong dự thảo Nghị quyết (kể từ ngày 1/6/2020) là phù hợp.

Tuổi trẻ Thủ đô
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động