Theo Phật giáo, cúng sao giải hạn đầu năm là quan niệm sai lầm

Theo quan điểm của Phật giáo, việc cúng dâng sao giải hạn là một hoạt động mê tín, những người cúng dâng sao giải hạn là do họ thiếu hiểu biết các quy luật cuộc sống và nhân quả.
theo phat giao cung sao giai han dau nam la quan niem sai lam

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, hàng ngàn người lại đổ về các chùa đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cầu an. Tuy nhiên, mỗi chùa lại có một mức phí giải sao khác nhau. Theo quan niệm, những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình.

Liên quan đến vấn đề này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội chia sẻ: Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo Giáo, xuất xứ từ Trung Quốc. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Thổ Tú, Thủy Diệu, La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Người ta tin mỗi một năm, một tuổi nó ứng vào mỗi người nam hoặc người nữ. Và người ta cũng cầu mong các vì sao là sao tốt. Cùng một tuổi, cùng một năm, đàn ông và đàn bà lại có sao chiếu mệnh khác nhau. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu, năm nào người nào bị sao xấu chiếu mệnh sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn.

Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Thế nhưng, giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo thì đều gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống. Cho nên, nhiều chùa từ lâu rồi cũng có làm nhưng tùy từng chùa thực hiện với các nghi thức khác nhau. Cũng có chùa, đền, phủ... cúng theo tín ngưỡng cổ truyền là dâng sao, cũng có những chùa chỉ tụng kinh lễ Phật. Cũng theo vị Hòa thượng này, có không ít trường hợp đi cúng lễ mà vẫn gặp tai họa. “Gặp họa hay phúc đều là do bản thân con người. Nếu con người không cẩn thận thì rất dễ gặp họa như mất của, tai nạn…”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM bày tỏ quan điểm: Đạo Phật khuyên chúng ta rằng không nên sợ năm xui, tháng hạn, ngày tốt ngày xấu… vì những cái đó không có thật. Trong cuộc sống có nghịch duyên và thuận duyên, có ngày thuận, ngày nghịch. Muốn có kết quả tốt thì chúng ta nên tạo thuận duyên để có kết quả như sự trông đợi.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM

Theo quan điểm của Phật giáo việc cúng dâng sao giải hạn là một hoạt động mê tín, người ta cứ nghĩ rằng có một lực lượng siêu nhiên, các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người cho nên để tạo tâm lý trấn an người ta làm hài lòng các thần linh đó bằng cách cúng kính. Theo Phật giáo điều này không giải quyết được vấn đề.

Bởi theo đạo Phật, các thần linh không có thật. Những người cúng dâng sao giải hạn là do họ thiếu hiểu biết các quy luật cuộc sống và các quy luật nhân quả. Cho nên mua sự trấn an tâm lý bằng việc cúng sao là không phù hợp.

Cho nên tốt nhất là không nên sợ hãi những vấn đề này nữa. Số phận thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi sống, nghề nghiệp sống của chúng ta … Theo tôi, tốt nhất mình sống hãy tôn trọng luật pháp, đạo đức, phát triển lương tâm thì không có sợ gì mà phải đi cầu khẩn các lực lượng thánh thần để trấn an tâm lý. Sống tốt không có sợ và làm việc nghĩa, việc tốt thì Tâm mình sẽ an.

Hà An
Phiên bản di động