Tháp Chăm hơn 1.200 năm tuổi được trùng tu

Các thợ đã thay mới những viên gạch mục nát khi trùng tu di tích cấp quốc gia nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư Phố Hài hơn 1.200 năm tuổi.
Quảng Ninh có thêm 3 bãi tắm đạt chuẩn Bình chọn để Hà Nội trở thành thành phố hàng đầu thế giới Tuyệt tác tháp Chăm cổ hơn 1.000 năm tuổi ở Bình Định

Nhóm đền tháp Chăm Phố Hài cao 5-15 m, nằm trong khuôn viên 9 ha trên đồi Bà Nài, liền kề thắng cảnh phế tích Lầu Ông Hoàng, cách trung tâm TP Phan Thiết 7 km. Tháp được xây dựng đầu thế kỷ thứ IX để thờ thần Siva. Đến thế kỷ XIV, người Chăm xây thêm xung quanh tháp chính nhiều đền thờ Pô Sah Inư - tương truyền bà là công chúa con vua Parachanh, là chị ruột của vua Pô Kathit.

Tháp được xây theo phong cách Hòa Lai, mang đậm dấu ấn thời hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa. Năm 1991, nhóm đền tháp này được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.

Sau đợt trùng tu quy mô năm 1996-1998, di tích này tiếp tục bị xuống cấp từ phần đỉnh và xuống chân tháp. Hàng nghìn viên gạch xây dựng tháp này đã có từ hơn 1.200 năm trước bị mục nát cần được thay mới để đảm bảo an toàn.

Năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận triển khai dự án bảo tồn - tôn tạo - phát huy giá trị tháp Chăm Pô Sah Inư với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Dự án có nhiều hạng mục như: trùng tu tháp, xây dựng nhà điều hành, nhà trưng bày, quầy lưu niệm, cổng, hàng rào, sân và đường nội bộ...

Riêng hạng mục tu bổ 3 tháp (A, B và C) có kinh phí 4,6 tỷ đồng thuộc gói thầu số 5. Nhà thầu thi công là Công ty TNHH Cao Hùng. Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Trung là đơn vị tư vấn và thiết kế kỹ thuật.

Tại phần đế tháp, nhóm thợ phục hồi những phần đã mất, lõm hàm ếch; loại bỏ gạch mủn vụn, gia cố cấu trúc, chống ẩm trước khi gắn phần gạch mới; xây phục hồi phần mất bằng phương pháp mài gạch dán dầu rái nóng.

Thân tháp được tu bổ cục bộ những phần gạch đã cũ nát. Một số vị trí phục hồi trước đây bị ăn mòn cũng được hạ giải để phục hồi bằng phương pháp xây mới... Các viên gạch bị bong ra ở phần đỉnh được dỡ bỏ rồi vá lại, đảm bảo độ kín nước khi có mưa, bảo quản chống rêu mốc và thấm ẩm toàn bộ bề mặt tháp.

"Gạch cũ mục từ 20% đến 70% thì đục bỏ. Còn tốt trên 80% thì để lại, vì gạch xưa chắc hơn. Để làm lại giống như kỹ thuật của ông bà xưa, chất kết dính được sử dụng là dầu rái và một số hóa chất", ông Lý Duy Tùng, thợ trùng tu nói.

thap cham hon 1200 nam tuoi duoc trung tu
Gạch mới được mài gọt đúng kích cỡ trước khi lắp vào tháp. Ảnh: Việt Quốc.

Ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết đến nay hạng mục tu bổ ba tháp đã hoàn thành. Các hạng mục còn lại đang tiếp tục được thi công và dự kiến hoàn thành trong năm nay.

"Việc tu bổ, tôn tạo di tích tháp Pô Sah Inư có ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ lại kiến trúc truyền thống của người Chăm xưa, đồng thời phát huy giá trị phi vật thể phục vụ cho hoạt động du lịch của tỉnh Bình Thuận", ông Huy nói.

Theo VnExpress
Phiên bản di động