Thanh tra Chính phủ "gọi tên": Lãnh đạo DIC Corp nói gì?

Lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đã lên tiếng sau khi xuất hiện thông tin Thanh tra Chính phủ "gọi tên" doanh nghiệp này.
Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cổ phần hóa tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC

Thanh tra Chính phủ gọi tên DIC Corp về công tác thoái vốn Nhà nước

Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 27/2, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 341, ngày 3/2/2023 của Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTCP về việc bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC.

Theo Quyết định số 49/QĐ- TTCP, Đoàn Thanh tra gồm 9 thành viên do ông Nguyễn Đức Hương, Phó Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực III (Cục III) làm Trưởng đoàn có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC.

Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ tiến hành thanh tra theo nội dung quy định và kế hoạch thanh tra được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ
Buổi công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIC Corp. (Ảnh: TTCP)

Tại buổi công bố quyết định thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, đây là cuộc thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn yêu cầu đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phân công cán bộ hợp lý, tránh làm ảnh hướng đến hoạt động bình thường của đơn vị; Làm việc một cách minh bạch, công khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung được phê duyệt, đảm bảo đúng thời gian và nguyên tắc, tổ chức hoạt động đoàn thanh tra.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, đồng thời, cử cán bộ làm đầu mối, phối hợp làm việc với Đoàn thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi giúp đoàn làm việc hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến thông tin này, sáng 1/3, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cho biết, đây là hoạt động bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Tuấn, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng hiện nay có xuất phát điểm là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1990, sau đó chuyển đổi mô hình thành Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch (năm 1993) và Công ty Đầu tư Phát triển – Xây dựng (năm 2001). Đây là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng đóng tại địa bàn TP Vũng Tàu, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, phát triển đô thị và kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thực hiện chủ trương và lộ trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, Bộ Xây dựng (là đơn vị chủ quản) đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ Công ty Đầu tư phát triển xây dựng thuộc Bộ Xây dựng tại Quyết định số 237/QĐ-BXD ngày 6/2/2007.

"Đây là chủ trương đúng đắn của Nhà nước vì DIC Corp không phải là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với nền kinh tế như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp điện, nước, xăng dầu, quốc phòng", ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa DIC Corp đã thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tại Quyết định số 352/QĐ-BCĐ ngày 7/3/2007.

Theo đó, thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đa số là nhân sự thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương, DIC Corp chỉ có người đại diện vốn tham gia với tư cách cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan để phục vụ công tác cổ phần hóa.

Ngày 22/8/2007, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa có Văn bản số 430/DIC Corp-BCĐ gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Đầu tư Phát triển - Xây dựng và ngày 15/10/2007, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1302/QĐ-BXD về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ: Công ty Đầu tư Phát triển - Xây dựng.

Tiếp theo, cổ phiếu DIC được chào bán lần đầu ngày 26/11/2007 trên Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. DIC Corp đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 13/3/2008 và tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu ngày 23/2/2008.

Ngày 18/4/2014, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra xác định vốn Nhà nước bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng sang Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đã kiểm toán tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Ngày 13/7/2016, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 687/QĐ-BXD về giá trị vốn nhà nước tại thời điểm 0h ngày 13/3/2008 để bàn giao doanh nghiệp Nhà nước từ Công ty Đầu tư phát triển - xây dựng sang Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng.

Như vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm ngày 1/1/2007, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán vốn Nhà nước tại DIC Corp theo đúng chủ trương của Chính phủ, theo đúng các quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ, Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính.

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đúng quy định?

Về công tác thoái vốn Nhà nước, ông Tuấn cho biết, căn cứ Nghị quyết số 12/NQTW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước có nêu rõ “Trên cơ sở giá trị vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp đã được xác định đầy đủ, hợp lý và theo quy định của pháp luật, khẩn trương bán cổ phần, thoái vốn một cách công khai, minh bạch, chủ yếu thông qua bán đấu giá trên thị trường” và đồng thời “khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Hoàn thiện tiêu chí cổ đông lớn, cổ đông chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị để cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp”.

Thanh tra Chính phủ
Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 17/3/2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, giai đoạn 2011 - 2016, nhiệm vụ đến năm 2020, DIC Corp thuộc đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn và thuộc nhóm các tổng công ty đến hết 2018 phải thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Căn cứ chỉ đạo tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp ngay trong năm 2017, sớm hơn so với kế hoạch yêu cầu thoái trong năm 2018 theo đúng thẩm quyền.

Ngày 28/11/2017, Bộ Xây dựng đã thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp, cổ phiếu DIG được bán theo phương thức khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM, số tiền thu được từ thoái vốn đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp.

Ngày 26/12/2017, Bộ Xây dựng có Văn bản số 39/BXD-QLDN chấp thuận kết quả thoái vốn Nhà nước công ty, xác nhận số tiền DIC Corp đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp là 2.274.496.752.798 đồng tại Ủy nhiệm chi ngày 14/12/2017 của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB. Ngày 6/1/2018, DIC Corp tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, Bộ Xây dựng chính thức không còn là cổ đông tại doanh nghiệp này.

Về công tác thanh tra, kiểm tra công tác cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, lãnh đạo DIC Corp cho biết, Đoàn Kiểm toán Nhà nước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2007 của DIC Corp (niên độ báo cáo tài chính năm 2007 bắt đầu từ ngày 1/1/2007 đến 12/3/2008). Như vậy, trong giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp tại công ty này, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính.

Tiếp theo, Thanh tra Chính phủ cũng tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà, DIC Corp là đơn vị thành viên của Tập đoàn Sông Đà tại Quyết định số 423/QĐ-TTCP ngày 10/3/2011 và đã ban hành Kết luận thanh tra số 343/KL-TTCP ngày 23/2/2012.

Theo lãnh đạo DIC Corp, các nội dung liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán,… và đã được các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn, tham gia ý kiến cũng như điều tra của cơ quan công an kết luận thực hiện theo đúng quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC Corp mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát. Đây là hoạt động thường kỳ của Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo DIC Corp cũng cho rằng, qua sơ lược quá trình thực hiện nêu trên có thể thấy công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra,… và đã có kết luận. Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

Hậu Lộc
Phiên bản di động