Thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 5063/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200-300ha Đầu tư hạ tầng tại các khu nhà ở xã hội bằng tiền ngân sách để giảm giá thành cho người dân Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từng năm giai đoạn 2021-2025 theo các chỉ tiêu phát triển nhà ở trong Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt; Làm cơ sở để thành phố chủ động kiểm soát công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội của người dân.

Theo kế hoạch, UBND thành phố đánh giá tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội giai đoạn sau năm 2020 cần đầu tư xây dựng mới khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn. Theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn.

Thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 5063/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (Ảnh minh họa)

Về khả năng đáp ứng, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 dự án hoàn thành với khoảng 0,33 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Ngoài ra, hiện có 46 dự án đang triển khai với khoảng 2,9 triệu mét vuông sàn và 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung đang được nghiên cứu triển khai.

Như vậy, giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội trọng tâm gồm: Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành 22 dự án hiện đã có quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản xong giải phóng mặt bằng, đang chuẩn bị đầu tư hoặc đang thi công xây dựng với khoảng 1,215 triệu mét vuông sàn dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 (trong đó đã có 4 dự án hoàn thành trong năm 2022).

Ngoài ra, tiếp tục triển khai 28 dự án còn lại (khoảng hơn 2,015 triệu mét vuông sàn) dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025 để bù đắp phần diện tích nhà ở còn thiếu so với mục tiêu kế hoạch. Đây là các dự án chưa có quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, đang hoặc chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, phải rà soát do điều chỉnh quy hoạch chi tiết hoặc vì chậm tiến độ, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Đồng thời, chuẩn bị đầu tư 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung và triển khai các dự án xây mới có tiến độ hoàn thành trong giai đoạn sau năm 2025.

Thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
Về khả năng đáp ứng, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 dự án hoàn thành với khoảng 0,33 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội

Về kế hoạch cụ thể theo từng năm giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định: Năm 2021 đạt 88.200m2 sàn nhà ở. Năm 2022 dự kiến đạt 257.000m2 sàn nhà ở. Năm 2023 dự kiến đạt 32.900m2 sàn nhà ở. Năm 2024 dự kiến đạt 361.700m2 sàn nhà ở. Năm 2025 dự kiến đạt 475.200m2 sàn nhà ở.

Hà Nội dự kiến vốn để hoàn thành phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 12.350 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn ngân sách khoảng 283 tỷ đồng, ngoài ra là vốn huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nguồn vốn cho vay ưu đãi của thành phố từ quỹ đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác.

Trước đó, trong chương trình tiếp xúc với cử tri tháng 10 tại quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị. Hiện nay, thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Đây cũng là hướng thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200-300 ha.

Thành phố dự định sẽ chi ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế vừa bảo đảm đồng bộ, vừa giúp hạ giá thành nhà ở cho người dân.

Thanh Hà
Phiên bản di động