Nói không với thực phẩm bẩn:

Thanh niên cùng hành động vì sức khỏe và lối sống văn minh

Sáng 25/11, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội; Đoàn Thanh niên quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn”.
Thanh niên tiên phong xây dựng thói quen sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm Chương Mỹ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú 62 trường học Bạn trẻ “hiến kế” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố

Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan Thành đoàn Hà Nội; Nguyễn Phương Thảo, Phó trưởng ban Đoàn kết và địa bàn dân cư Thành đoàn Hà Nội; Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm

Về phía Ban tổ chức có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô; Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô; Trần Kim Huyền - Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm.

Đặc biệt về dự chương trình Hội thảo, còn có hàng trăm bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các bạn trẻ đang theo dõi chương trình trên nền tảng zoom.

Trang bị kiến thức cho thanh niên

Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng phát biểu khai mạc hội thảo
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng phát biểu tại hội thảo
"Hà Nội là trung tâm của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Là nơi giao thoa và hội tụ của các nền văn hóa; là nơi thời tiết khí hậu đủ để tạo nên sự hấp dẫn tuyệt vời với du khách thập phương…Thức ăn đường phố đóng góp 1 phần không nhỏ làm nên nét văn hóa rất riêng của Thủ đô Hà Nội và con người Hà Nội" - theo Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng nhấn mạnh: "Vệ sinh an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống con người, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, sự phát triển giống nòi; Tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, du lịch, thương mại và an sinh xã hội; Thể hiện sự văn minh của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông phân phối của mỗi địa phương và mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những món ngon mang đậm nét ẩm thực Hà Thành đã được quảng bá trên toàn thế giới, với đặc trưng bán tại đường phố nhưng được kiểm soát chặt chẽ bởi các tiêu chí an toàn thực phẩm, người ta có thể liệt kê ra hàng chục, thậm chí hàng trăm món ăn đường phố chưa rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát được các khâu chế biến và phần lớn người bán loại thức ăn đường phố này thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm".

Thanh niên cùng hành động vì sức khỏe và lối sống văn minh
Các đồng chí chủ trì hội và đại biểu tham dự hội thảo

Từ thông điệp này, thông qua hội thảo, Báo Tuổi trẻ Thủ đô mong muốn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong đó đoàn viên, thanh niên là những công dân gương mẫu, tiên phong trong việc xây dựng thói quen sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với chủ đề nóng, hội thảo nhận được nhiều câu hỏi của các bạn trẻ và được các chuyên gia giải đáp.

Mở màn hội thảo, bạn Tô Gia Bảo, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) muốn biết về khái niệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bạn Lê Diệu Linh, học sinh trường THPT Việt Đức băn khoăn về nguyên tắc trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như ý nghĩa của công tác tuyên truyền…

Có bạn trẻ cho rằng có nhiều thức ăn vỉa hè không đảm bảo, nguyên nhân vì sao các bạn trẻ coi thường sức khoẻ của bản thân và tại sao hàng quán vẫn hiên ngang mọc lên?

Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng
Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng

Giải đáp thắc mắc của các bạn thanh niên, đồng chí Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng, chia sẻ: “Các bạn trẻ quan tâm đến thực phẩm khiến chúng tôi rất vui. Ở góc độ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, các bạn trẻ cũng là tuyên truyền viên để nội dung này được tốt hơn”.

Nhà quản lý, nhà trường và "nhà thông thái trẻ"

Theo chị Hằng, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã luôn nỗ lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cũng cho rằng, ngành Y tế và các ngành chức năng và cả các nhà trường cũng đang cố gắng trong việc quản lý và kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở. Tuy nhiên, để góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh, cần có sự chung tay của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Nếu như chúng ta nói không với thực phẩm bẩn thì cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn không còn đất sống.

Bạn Ngô Thị Thu Nguyệt, đoàn viên phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thắc mắc: Hoàn kiếm là trung tâm Thủ đô với nhiều quán xá, khu vực ẩm thực, an toàn thực phẩm càng phải lưu tâm. Công tác này tại quận triển khai như thế nào? Chủ cơ sở sản xuất thực phẩm phải đáp ứng nhu cầu gì, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn sẽ được xử lý như thế nào?

Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm chia sẻ tại chương trình
Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm chia sẻ tại chương trình

Giải đáp thắc mắc của bạn Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, cho biết: “Công tác kiểm tra, giám sát tuyên truyền trên địa bàn quận được đẩy mạnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền mới dừng lại ở Hội Phụ nữ, chủ cơ sở kinh doanh, thời gian tới sẽ được đẩy mạnh tuyên truyền trong giới trẻ. Các bạn sẽ là người tiêu dùng thông thái. Ngoài ra, quận cũng đã triển khai nhiều tuyến phố an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện các mô hình nói không với thực phẩm không an toàn”.

Không chỉ thanh niên Thủ đô, nhiều bạn trẻ trên khắp cả nước cũng đặt câu hỏi gửi về Ban tổ chức để được giải đáp: Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã và đang được triển khai như thế nào? Cần phải làm gì để chứng minh cơ sở sản xuất kinh doanh của mình đủ đảm bảo an toàn thực phẩm…

Những câu hỏi này cũng được các chuyên gia giải đáp giúp các bạn trẻ trở thành những người tiêu dùng thông thái, thành công với các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp.

Thanh niên cùng hành động vì sức khỏe và lối sống văn minh
Thanh niên cùng hành động vì sức khỏe và lối sống văn minh
Các bạn trẻ đặt câu hỏi tại chương trình

Mỗi thanh niên là một tuyên truyền viên

Để tránh thực phẩm không an toàn, các chuyên gia đã “mách nước” cho bạn trẻ. Trong đó, khi đến một cơ sở, nhà hàng ăn uống, các bạn trẻ nên quan sát như: Chỗ ngồi có sạch, tránh xa cống rãnh, cơ sở không có ruồi nhặng, mặt bàn bằng inox sạch, không có côn trùng…

Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết: “Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, yêu cầu quận, huyện đưa ra tiêu chí và đăng tải trên cổng thông tin điện tử. Song song với việc thanh, kiểm tra là công tác tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đi trước trong một bước về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Trong đó, trọng tâm tuyên truyền cho người tiêu dùng, dịp Tết bởi thực phẩm bao gói sẵn nhiều. Vì thế, các bạn trẻ phải có kiến thức cơ bản, biết cách lựa chọn như thế nào, địa chỉ sản xuất rõ ràng, hướng dẫn bảo quản thực phẩm, thành phần cấu tạo…

Thanh niên tại các điểm cầu đặt câu hỏi
Thanh niên tại các điểm cầu đặt câu hỏi

Thông tin đến các bạn trẻ, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng cho biết: Thời gian qua, báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục trên các ấn phẩm, nền tảng của báo để tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Các thông tin tuyên truyền trên báo rất đa dạng phong phú với bạn đọc.

“Sức khỏe của thanh niên Thủ đô vô cùng quan trọng. Quan tâm, đồng hành cùng các bạn trẻ, báo đã có nhiều bài viết cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm như: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm đông lạnh để lâu năm… được đội quản lý thị trường, lực lượng chức năng bắt giữ. Thời gian tới, báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi hành vi, cùng hành động nói không với thực phẩm không an toàn. Tôi mong muốn mỗi bạn thanh niên sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực, tăng cường nói không với thực phẩm không an toàn”, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô nhấn mạnh.

Ở góc độ báo chí truyền thông, Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng lắng nghe ý kiến phản hồi để đăng tải kịp thời. Từ đó định hướng thông tin, đem lại hiệu quả tốt nhất cho các bạn trẻ.

Trong một buổi sáng làm việc nghiêm túc, khẩn trương, các bạn thanh niên tại hội trường và các điểm đầu cầu đặt ra 22 câu hỏi. Gần 60 vấn đề của người trẻ về an toàn thực phẩm đã được các chuyên gia giải đáp rất kỹ lưỡng. Qua hội thảo hôm nay, các bạn đã hiểu kỹ hơn về thực phẩm bẩn và nói không phải thực phẩm không an toàn.

Nguyễn Dũng - Thi Mai
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động