Tàu chở dầu lại bị tấn công trên Vịnh Oman, nguy cơ xung đột gia tăng

Dư luận lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang sau sự cố hai tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman ngày 13/6. Trước đó một tháng, bốn tàu chở dầu cũng đã bị tấn công ở khu vực này.
Kết quả điều tra sơ bộ các vụ tấn công tàu chở dầu ngoài khơi UAE

Tàu chở dầu liên tục bị tấn công

tau cho dau lai bi tan cong tren vinh oman nguy co xung dot gia tang
Khói lửa bốc ngùn ngụt từ một tàu chở dầu bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển Oman ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Một tàu bị tấn công ngày 13/6 có tên Front Altair của công ty vận tải Na Uy. Tàu này bị cháy và thủy thủ đoàn đã sơ tán khỏi tàu. Công ty dầu Đài Loan CPC Corporation – công ty thuê con tàu này để chở naphtha (một sản phẩm từ dầu) -đã xác nhận tàu bị tấn công. Tàu Front Altair rời cảng Ruwais ở UAE, hướng tới Cao Hùng thuộc Đài Loan (Trung Quốc).

Chiếc tàu thứ hai là Kokuka Courageous, treo cờ Panama và đang chở methanol. Tàu này cũng bị bốc cháy. Con tàu bị tấn công khi đang trên đường từ cảng Al Jubail ở Saudi Arabia tới Singapore.

Toàn bộ 21 thủy thủ trên tàu Kokuka Courageous đã rời tàu và được đưa lên một tàu gần đó.

tau cho dau lai bi tan cong tren vinh oman nguy co xung dot gia tang
Có hai tàu bị tấn công trong ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu Kokuka Courageous bị hư hỏng thân ở mạn phải. Tàu không có nguy cơ bị chìm và toàn bộ số methanol không bị ảnh hưởng.

Theo báo chí nhà nước Iran, một đội cứu hộ từ tỉnh Horozgan ở phía Nam Iran đã đón thủy thủ đoàn của tàu treo cờ Panama.

Xem video khói bốc ngùn ngựt từ tàu chở dầu bị tấn công (nguồn: Guardian):

Hiện chưa rõ các vụ tấn công hai tàu chở dầu được thực hiện như thế nào và do ai gây ra. Các vụ tấn công hồi tháng trước cũng không có nhiều thông tin hơn. Hai tàu mới bị tấn công dường như bị thiệt hại nghiêm trọng hơn các tàu bị tấn công hồi tháng 5.

Các nhà phân tích Mỹ đã xem xét kỹ lưỡng hình ảnh và các tín hiệu chặn được ngày 13/6 để xác định xem vụ tấn công xảy ra thế nào và ai là thủ phạm. Dựa trên mức độ hư hỏng của các tàu chở dầu, họ cho rằng có thể thủ phạm đã sử dụng mìn hoặc ngư lôi. Vụ tấn công đang được điều tra.

Gia tăng căng thẳng

Theo tờ New York Times, vụ tấn công vào lúc sáng sớm 13/6 trên đã khiến căng thẳng gia tăng ở khu vực vốn luôn “nóng”. Iran có mối quan hệ xung đột với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) do hai bên hậu thuẫn các phe đối lập nhau trong nội chiến ở Yemen. Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ - đồng minh của UAE và Saudi Arabia – cũng vì thế mà tồi tệ hơn.

tau cho dau lai bi tan cong tren vinh oman nguy co xung dot gia tang
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại cuộc họp báo ở Tehran ngày 12/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Rạn nứt trở nên căng thẳng tới mức các nước đã phải kêu gọi mọi bên có liên quan bình tĩnh, không kích động chiến tranh toàn diện. Ngày 12/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thăm Iran để tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Iran và Mỹ đã cảnh báo rủi ro xảy ra xung đột quân sự.

Tháng trước, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói: “Chúng tôi rất lo về rủi ro tình cờ xảy ra xung đột khi một bên nào đó vô tình leo thang căng thẳng”.

Trong một chuyến thăm UAE cách đây hai tuần, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Iran gần như chắc chắn là thủ phạm vụ tấn công hồi tháng 5. Tuy nhiên, ông Bolton không đưa ra bằng chứng nào mà chỉ nói: “Còn ai sẽ làm việc này đây?”. Cáo buộc này đã bị quan chức Iran bác bỏ.

Không giống ông Bolton, các quan chức Mỹ khác và đối thủ khu vực của Iran tỏ ra thận trọng hơn khi đổ lỗi công khai. Giới chức UAE cho rằng vụ tấn công các tàu chở dầu do chính phủ quốc gia nào đó hậu thuẫn mà không nói cụ thể.

Trong các vụ tương tự, các quan chức tình báo và quân đội Mỹ ở Vịnh Ba Tư đều ngay lập tức nghi ngờ Iran. Tuần trước, Tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, nói rằng ông nghĩ Iran và các thế lực ủy nhiệm có thể tấn công bất kỳ lúc nào. Ông McKenzie cũng không đưa ra bằng chứng hay chi tiết cụ thể nào cho cáo buộc.

tau cho dau lai bi tan cong tren vinh oman nguy co xung dot gia tang
Vị trí Vịnh Oman trên bản đồ. Ảnh: CNN

Ông Paolo d’Amico, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu chở dầu độc lập quốc tế, nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi có những người thuộc mọi quốc tịch và tàu đủ loại trung chuyển qua tuyến đường biển quan trọng này. Chúng ta cần nhớ rằng khoảng 30% dầu thô thế giới đi qua Eo biển. Nếu vùng biển này trở nên không an toàn, nguồn cung cho toàn bộ phương Tây có thể gặp rủi ro”.

Các quan chức Iran cho rằng vụ tấn công tàu chở dầu nhằm ngăn chặn đối thoại hữu nghị và kích động gây hấn. Một phát ngôn viên Chính phủ Iran, ông Ali Rabiei, cảnh báo các nước không được để những kẻ có lợi từ sự bất ổn đánh lừa.

Cùng ngày, Nga đã cảnh báo hành động quy chụp trong việc chỉ trích, đổ lỗi cho Iran, đồng thời cho rằng không nên lợi dụng vụ việc này để gia tăng áp lực với Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: "Tôi sẽ nhân cơ hội này để cảnh báo về những kết luận vội vã, các nỗ lực muốn đổ lỗi cho những ai mà họ không thích. Chúng ta đang chứng kiến một chiến dịch gây áp lực về chính trị, tâm lý và quân sự đối với Iran".

Bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết: "Khu vực này không cần thêm các yếu tố gây bất ổn và căng thẳng, vì vậy bà Mogherini kêu gọi tiếp tục kiềm chế tối đa và tránh mọi khiêu khích".

tau cho dau lai bi tan cong tren vinh oman nguy co xung dot gia tang
Các nhà phân tích nhận định tàu có thể bị tấn công bằng mìn hoặc ngư lôi. Ảnh: ISNA

Gần đây, căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Ông cũng có động thái để cắt giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran và điều thêm lực lượng quân sự tới khu vực.

Đáp lại, Iran đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz, con đường quan trọng tiếp cận Vịnh Ba Tư, đồng thời tuyên bố có thể giảm cam kết thực hiện thỏa thuận hạt nhân.

Phần lớn dầu và khí đốt thế giới đều được sản xuất ở khu vực Vịnh Ba Tư, giáp với các nước giàu dầu mỏ như Saudi Arabia, UAE, Iran, Iraq, Kuwait và Bahrain.

Một lượng dầu và khí đốt được vận chuyển qua đường ống, nhưng đa số được chở bằng tàu và tàu phải đi qua Eo biển Hormuz và Vịnh Oman. Giá dầu đã tăng hơn 3% trên thị trường thế giới chỉ vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 13/6.

Theo TTXVN
Phiên bản di động