Tăng khả năng thích ứng"sống chung" với dịch cho doanh nghiệp

Chiều 26/5, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm: "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế".
Đề xuất giảm giá điện đợt 3: Giải pháp thiết thực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Ngân hàng, doanh nghiệp ủng hộ nguồn lực mua vắc xin Covid-19 Nhanh chóng đưa doanh nghiệp lớn đủ “an toàn” ở Bắc Giang, Bắc Ninh trở lại hoạt động
Tăng khả năng thích ứng
Quang cảnh buổi tọa đàm "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế" (Ảnh: Quang Hiếu)

Dự toạ đàm có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tại buổi toạ đàm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiệm kỳ vừa qua là một nhiệm kỳ rất thành công về phát triển kinh tế, xã hội. Đà cải cách của chúng ta được đẩy mạnh, hội nhập đỉnh cao của đất nước được rộng mở.

Theo ông Lộc, nước ta đang ở trong bối cảnh duy trì nền kinh tế có nhiều thách thức mới. Quan điểm thực hiện một cách chủ động, tích cực, ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế. Trong ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị có khả năng chống chịu tốt hơn.

Tinh thần của giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực nhưng phải tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch. Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hoà giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết và không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn.

Chính phủ đang tập chung nhiều vào sự cải cách, coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó có sự rà soát, xoá bỏ những chồng chéo về chính sách pháp luật, tăng cường sự kỷ luật; Sự phân công, phân cấp, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân; Tăng cường sự phối hợp nhưng Chính phủ không làm thay cho các bộ ngành, các địa phương; Có cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự phát triển đột phá của đất nước.

Về chiến lược trong thời gian tới, ông Lộc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi là thực hiện thành công một Chính phủ hành động. Việt Nam phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Đây là điều tiên quyết cho sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội... tạo nền tảng cho khả năng chống chịu và sự phát triển bền vững của đất nước.

"Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo thủ tục tiếp cận một cách minh bạch, thuận lợi nhất có thể. Những quy định của Nhà nước cần có sự linh hoạt hơn để đảm bảo họ có thể xây dựng được mô hình kinh doanh chống chịu với dịch bệnh", ông Lộc nhấn mạnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, không một đất nước nào có thể phát triển kinh tế vững mạnh, hùng cường được nếu không có sự ổn định. Trong sự ổn định đó có ổn định kinh tế vĩ mô nhưng quan trọng hơn là ổn định chính trị, xã hội. Đó là nền tảng mà chúng ta có được trong một thời gian rất dài, nền tảng để kinh tế phát triển và tiếp tục là nền tảng rất quan trọng.

Việt Nam chỉ có thể thắng cuộc chiến tranh với dịch bệnh nếu có được một chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả càng nhanh càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết nhất để bảo vệ sức khỏe, đời sống của Nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Cái đó rất quan trọng và phải là ưu tiên số 1 của Chính phủ vào thời điểm này. Do đó để tiếp tục duy trì được điều này, chúng ta phải có sự phát triển vượt bậc về tiêm chủng.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động