Bộ Y tế

Tăng cường giám sát, giải trình tự gen để giám sát dịch bệnh

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế (PHEOC) về giám sát và đáp ứng dịch bệnh.
Các bệnh viện cần đánh giá lâm sàng ca bệnh nặng COVID-19 giải trình tự gen

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và kết nối từ Trung tâm PHEOC đến các điểm cầu Viện/Bệnh viện và một số Sở Y tế tỉnh, thành phố có cửa khẩu.

Tại cuộc họp, BS Đỗ Hồng Hiên - Chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam đã thông tin về tình hình biến thể SARS-CoV-2 trên toàn cầu cũng như cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của một số quốc gia/ vùng lãnh thổ hiện nay.

Cuộc họp kết nối từ điểm cầu PHEOC của Bộ Y tế đến các Viện/ Bệnh viện và các chuyên gia
Cuộc họp kết nối từ điểm cầu PHEOC của Bộ Y tế đến các Viện/ Bệnh viện và các chuyên gia

Đại diện của CDC Hoa Kỳ cũng thông tin về tình hình dịch bệnh tại Hoa Kỳ, các giải pháp ứng phó; Và nhấn mạnh việc cần tăng cường giám sát, lấy mẫu giải trình tự gen các ca bệnh để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Thông tin về tình hình giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 trong năm qua, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, năm 2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã giải trình 541 mẫu bệnh phẩm của các tỉnh, thành khu vực miền Bắc, trong đó có đến 92% là biến chủng Omicron, trong đó có các biến thể BA.1; BA.2; BA.5; BA.2.74, BA.5.2, BA.2.75.6…

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến cáo cần tăng cường công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp.

Cùng đó cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung, quy mô lớn để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gen".

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận của các các chuyên gia WHO, CDC Hoa Kỳ cùng các chuyên gia về dịch tễ, điều trị, cách ly, các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn cơ bản đang kiểm soát, tỷ lệ mắc mới, bệnh nhân nặng và ca tử vong thời gian qua đều giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, các biện pháp phòng chống dịch ở nước ta đặt ra đáp ứng yêu cầu và thích hợp trong tình trạng hiện nay.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch COVID-19, chính sách đối với người nhập cảnh, chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh để không bị động trong tình hình mới.

"Do đó, các địa phương, đặc biệt các địa phương có cửa khẩu cần phải đẩy nhanh tiêm chủng, cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1/2023, các tỉnh, thành đang tiêm chậm, thấp hoàn thành mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, tuy nhiên cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các Viện/Bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gen để đánh giá nguy cơ.

Đối với các tỉnh, thành có cửa khẩu tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, tăng cường rà soát lại hệ thống điều trị, rà soát lại hệ thống lưu trú trên địa bàn để phục vụ hành khách nhập cảnh.

Cùng đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Y tế dự phòng và các Viện đầu ngành phối hợp cùng đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về phòng chống dịch, khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Phương Thu
Phiên bản di động