Tài sản của cư dân Westa bị cầm cố ngân hàng, chủ đầu tư nói gì?

Băng rôn treo kín Chung cư Westa, tài sản của cư dân bị chủ đầu tư cầm cố cho ngân hàng. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật?  
Cư dân chung cư Westa "ngồi trên đống lửa" vì ở nhà 5 năm chưa có sổ hồng

Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã đăng tải thông tin về việc nhiều hộ cư dân phản đối chủ đầu tư của dự án Chung cư Westa (Hà Đông, Hà Nội) bằng cách treo kín băng rôn xung quanh tòa nhà.

Người dân cho biết, từ khi đi vào sử dụng đã 5 năm nhưng chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì, không làm sổ hồng cho cư dân, còn dự án đang bị thế chấp tại ngân hàng.

tai san cua cu dan chung cu westa bi cam co ngan hang chu dau tu noi gi
Cư dân thể hiện sự phẫn nộ có văn hóa bằng cách treo băng rôn lên thẳng tòa nhà.

Trước sự việc trên, PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ trao đổi với chủ đầu tư Dự án là Công ty CP COMA 18 để hiểu rõ thông tin.

Theo đó, bà Dương Thị Thu Hà – Trưởng Phòng Tổ chức của Công ty cho biết, Coma 18 thời điểm xây dựng tòa nhà Westa năm 2009 là doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty cơ khí xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng. Khi đó vốn điều lệ của công ty là 134 tỷ đồng trong khi tổng mức đầu tư của tòa nhà này dự kiến là 513 tỷ đồng. Vì vậy, Công ty đã thế chấp sổ đỏ của Dự án là 2.500m2 để lấy tiền xây dựng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã gây ảnh hưởng tới các hộ dân liền kề khiến dự án bị trễ mất hơn 6 tháng. Đơn vị thi công phần móng chậm tiến độ tới 2 năm, khi hoàn thiện thì gặp lúc thị trường bất động sản đóng băng nên dự án không bán được.

Khi được hỏi về phương án giải quyết việc cấp sổ hồng cho cư dân, bà Hà cho biết Coma 18 hiện đang làm việc với ngân hàng, còn một vài tài sản khác sẽ đưa ngân hàng để chuyển đổi.

"Tức là ngân hàng nhận tài sản này vào và cho giải chấp dự án. Không phải giải chấp hết mà giải chấp 1 phần. Nếu được thì sẽ có 1/3 số căn được cấp sổ", bà Hà cho biết thêm.

Về phí bảo trì, khi cư dân mua nhà và thu phí bảo trì từ 2009, lúc đó chưa có nghị định, chưa có luật hướng dẫn cụ thể về việc thu phí xong phải để riêng, hạch toán riêng 1 khoản. Ngày đấy ban lãnh đạo cũ thu vào sau đó họ lại dùng tiền đấy để xây dựng Dự án. Đến 2016, chuyển đổi cơ chế thì không còn khoản tiền mặt đấy để bàn giao, hiện nay không có tiền mặt để bàn giao cho cư dân.

Công ty đã họp với cư dân tổng cộng 3 lần, họp với Ban Quản trị 4 lần và họp có sự đại diện của Phường 2 lần. Tổng cộng từ hôm cư dân căng băng rôn khẩu hiệu bức xúc tới bây giờ đã diễn ra 6, 7 cuộc họp giữa các bên. Ban lãnh đạo Công ty có đưa ra giải pháp như sau: Tại dự án Westa Công ty còn 3 diện tích: Tầng G 375m giờ đang cho thuê khai thác; Tầng hầm B1 và B3 để ô tô, còn tầng hầm B2 để xe máy là sở hữu chung. Hiện nay nếu 3 diện tích ấy bán được sẽ rơi vào khoảng hơn 40 tỷ, dư sức để trả cho cư dân nhưng không bán được vì sổ đỏ cắm ngân hàng. Do đó, bây giờ chỉ có cách cùng cư dân thuê 1 đơn vị quản lý vận hành, khai thác. Hàng tháng thu có thể là 100 – 200 triệu. Sau đó trừ phí vận hành đi thì mỗi tháng thu tối đa gần 100 triệu, trừ các khoản phí bảo dưỡng đi còn khoảng 70 triệu. Mỗi tháng công ty lấy khoản tiền ấy để trả cư dân, dưới sự giám sát của ban quản trị.

Có thể thấy, Công ty CP Coma 18 đã thừa nhận việc Dự án đang được thế chấp tại ngân hàng, nhưng vẫn đem ra bán cho người dân để đến bây giờ, hậu quả là người dân không được cấp quyền sở hữu. Tiền bỏ ra để mua căn hộ, nhưng lại bị cầm cố tại ngân hàng. Không chỉ vậy, hàng ngày người dân vẫn phải sống trong lo lắng khi Chung cư ngày một xuống cấp còn quỹ bảo trì vẫn chẳng thấy đâu.

Theo ông Trần Xuân Hiến, một cư dân tại chung cư Westa Hà Đông: “Chúng tôi đã nhiều lần đề đạt ý kiến của cư dân với chủ đầu tư về việc làm sổ hồng. Nhưng cứ hết năm này qua năm khác, hết lần này tới lần khác họ đều viện lý do để xin khất. Việc căn hộ chưa có sổ hồng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống cư dân chúng tôi. Ngay cả việc con đi học, vay ngân hàng,… đều gặp rất nhiều khó khăn”.

Cũng theo phản ánh của cư dân, gần 300 căn hộ tại đây, mỗi căn hộ có giá trị trung bình 2,5 tỷ đồng, thì số tiền phí bảo trì 2% tạm tính cũng xấp xỉ gần 10 tỷ đồng. Thế nhưng, COMA 18 mới chỉ trả cho cư dân 200 triệu tiền phí bảo trì. Đặc biệt, sau 5 năm đi vào hoạt động nhiều hạng mục đã xuống cấp ở mức độ nghiêm trọng, nhưng không được sửa chữa, bảo dưỡng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa tới tính mạng cho cư dân.

Hành vi của Công ty CP Coma 18 có vi phạm pháp luật như thế nào? Có phải là lừa đảo chiếm đoạt tải sản của khách hàng hay không? Tuổi trẻ và Pháp luật kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Phạm Mạnh - Thanh Thắng
Phiên bản di động