Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho "mục tiêu kép"

TTTĐ - Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Qua đó góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện "mục tiêu kép".
Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" Hà Nội huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị thực hiện "mục tiêu kép”

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh việc triển khai quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng Ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao).

Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; Kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 ha đất; Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất.

Hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội; Chuyển dịch gần 76.000 ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị; Đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000ha đất; Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Năm 2020 đã thực hiện tinh giảm biên chế gần 24.000 người.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ, song đề nghị làm rõ nguyên nhân của những hạn chế để chấn chỉnh như: Tình trạng chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn xảy ra; Một số báo cáo còn hình thức, đánh giá còn chung chung; Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; Phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm...

Công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm; Chính phủ chưa tổng hợp được các dự án “treo”, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc; Chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí, để có giải pháp xử lý; Vi phạm về đất đai vẫn xảy ra dẫn đến khiếu kiện.

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm; Việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; Nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động